Nhiều bất cập trong xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề
Công tác xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường tại 70 cụm công nghiệp và hơn 1.300 làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn không ít bất cập. Để tháo gỡ, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các địa phương và các cơ quan chức năng.
Công tác xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường tại 70 cụm công nghiệp và hơn 1.300 làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn không ít bất cập. Để tháo gỡ, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các địa phương và các cơ quan chức năng.
Hệ thống xử lý nước thải thiếu và yếu
TP Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay 19 cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào hoạt động ổn định; năm cụm đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chưa vận hành chính thức; hai cụm đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động. Trong khi đó, còn tới 44 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải từ các cơ sở sản xuất vẫn xả thẳng ra môi trường.
Đơn cử, huyện Thạch Thất có bảy cụm công nghiệp, nhưng mới chỉ có cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá và Cụm công nghiệp Bình Phú có hệ thống xử lý nước thải. Mặc dù vậy, ở cụm công nghiệp Bình Phú dù đã có hệ thống xử lý nước thải công suất xử lý theo thiết kế là 600 m3/ngày/đêm, nhưng đến nay mới chỉ có 10 cơ sở đấu nối vào hệ thống xử lý này, gây lãng phí trong vận hành trạm xử lý nước thải và không đủ kinh phí duy trì. Tại Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá, hệ thống xử lý nước thải có từ năm 2010, nhưng do công nghệ lạc hậu, hạ tầng xuống cấp, cho nên mới chỉ xử lý được nước thải mạ kim loại của 15 hộ sản xuất, còn hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở khác vẫn đang loay hoay tìm cách xử lý nước thải. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết: Công tác quản lý nhà nước về xử lý nước thải trên địa bàn hiện còn khó khăn, do thiếu đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng. Một số công trình phụ trợ như trạm xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy, tập kết rác thải... không có trong danh mục đầu tư cho nên để hoàn thiện rất khó.
Ở các làng nghề, tình hình cũng không khả quan hơn. Thành phố có hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề, chiếm 40% làng nghề trong cả nước, thu hút gần 750 nghìn lao động. Tuy nhiên, với sự phát triển “nóng”, chất lượng môi trường tại các làng nghề đang bị đe dọa nghiêm trọng do ô nhiễm nguồn nước, rác thải, bụi, tiếng ồn, trong khi công tác xử lý ô nhiễm, nước thải chưa được quan tâm đúng mức. Theo quy hoạch, huyện Hoài Đức có ba trạm xử lý nước thải làng nghề, song đến nay mới chỉ có trạm xử lý nước thải Cầu Ngà - Dương Liễu công suất xử lý 1.000 m3/ngày/đêm đã được xây dựng xong. Dự án xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng được phê duyệt từ năm 2013, công suất 8.000 m3/ngày/đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng hiện đang bị chậm tiến độ.
Đẩy mạnh thu hút xã hội hóa
Trên thực tế, một thời gian dài trước đây, công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới tình trạng nhiều khu công nghiệp thiếu quy hoạch hạ tầng xử lý nước thải tập trung, hoặc đã có, nhưng do thiếu tầm nhìn, cho nên sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô chưa tương xứng. Mặt khác, do thiếu quy chế quản lý, cho nên việc quản lý, vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, làng nghề do huyện, xã thực hiện hiệu quả chưa cao.
Tại đợt giám sát về việc thực hiện quy định pháp luật về xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội do Ban Đô thị Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố vừa tổ chức, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về việc hoàn thành chỉ tiêu 100% cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh đề nghị thành phố cần thanh tra, kiểm tra một số dự án đã đầu tư trạm xử lý nước thải đến nay vẫn chưa sử dụng. Nên giám sát các dự án này, tránh tình trạng vốn ngân sách nhà nước khi xuống đến địa phương không được sử dụng hiệu quả.
Việc thu gom, xử lý nước thải lâu nay vẫn được TP Hà Nội thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Tuy nhiên, do phương thức thu giá dịch vụ xử lý nước thải không hấp dẫn, chưa rõ cơ chế để hoàn vốn đầu tư, nhất là dự án có suất đầu tư lớn, cho nên không thu hút được các nhà đầu tư. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chủ quản cần sớm phối hợp các ngành liên quan điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2023, hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đúng quy định. Liên quan tới trách nhiệm việc đổi mới, đầu tư công nghệ, cần phân định rõ với những trạm xử lý nước thải không thực hiện xã hội hóa trách nhiệm chính quyền (như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện), nếu có yếu tố kinh doanh dịch vụ thì trách nhiệm thuộc chủ đầu tư. Khắc phục những bất cập của thời gian trước, trong vòng một năm trở lại đây, khi xây dựng, giải phóng mặt bằng 43 cụm công nghiệp làng nghề, thành phố đã chú trọng tới xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý nước thải tập trung. Tại các cụm công nghiệp làng nghề, thành phố yêu cầu chỉ được phép xây dựng các nhà xưởng sản xuất, ưu tiên cho phát triển các nghề truyền thống, khuyến khích phát triển công nghiệp sạch và công nghệ cao. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, xây dựng các trạm xử lý nước thải, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.