Nhiều bất cập về điều kiện làm việc tại các bệnh viện dã chiến

Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng vẫn kéo dài từ 8-10 tiếng/ngày trong khi thực phẩm, chế độ ăn chưa đảm bảo dinh dưỡng…

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM cho biết, sau khi kiểm tra thực tế tại nhiều bệnh viện dã chiến và các cơ sở điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19 ở TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị tăng hỗ trợ cho nhân viên y tế ở các bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, tại các bệnh viện dã chiến, mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng 8-10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Y bác sĩ cũng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày.

Thêm vào đó, việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập như phát cơm hộp với khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc, nên ảnh hưởng sức khỏe chống dịch. Trường hợp nhân viên y tế bị mắc Covid-19 trong quá trình công tác được điều chuyển tới khu vực người bệnh, suất ăn được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn người bệnh 80.000 đồng/ngày cũng ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế...

Mỗi y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến phải điều trị, chăm sóc rất nhiều bệnh nhân (Ảnh HVĐ).

Mỗi y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến phải điều trị, chăm sóc rất nhiều bệnh nhân (Ảnh HVĐ).

Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM có các giải pháp hỗ trợ. Cụ thể như đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; Đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng; Nhân viên y tế không may mắc Covid-19 phải được đảm bảo chế độ ăn như thường ngày…

Đối với các tình nguyện viên hỗ trợ ở các Bệnh viện dã chiến, Sở Y tế TP.HCM cần hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, tập huấn để đảm bảo các tình nguyện viên làm việc hiệu quả, hạn chế các vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Trung tâm y tế các quận/huyện hoặc đơn vị tuyển chọn tình nguyện viên cần thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh Covid-19 cho tình nguyện viên trước khi đưa đến nơi làm việc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM đang trên đà cố gắng để có thể kiểm soát, đòi hỏi sự chăm sóc của y tế tốt hơn để đảm bảo giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch và tử vong. Hiện nay TP.HCM đang có sự tham gia chống dịch của đội ngũ thầy thuốc từ các bệnh viện tuyến Trung ương và nhiều tỉnh, thành nhưng vẫn cần có thêm sự hỗ trợ.

Để TP.HCM và các địa phương sớm khống chế dịch bệnh, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã kêu gọi và điều động khoảng 17.000 y bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên từ các bệnh viện tuyến Trung ương và 35 tỉnh, thành. Đội ngũ này đang sát cánh với lực lượng y tế tại chỗ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19./.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-bat-cap-ve-dieu-kien-lam-viec-tai-cac-benh-vien-da-chien-889171.vov