Nhiều bất lợi khi nhãn hiệu chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng
Chủ sở hữu nhãn hiệu chưa được công nhận nổi tiếng khó phản đối thành công các nhãn hiệu có hình thức trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn chỉ vì không có nhóm hàng hóa trùng hoặc tương tự. Tuy nhiên, trong thực tế người tiêu dùng vẫn có thể bị nhầm lẫn thương hiệu.
Nhiều nhãn hiệu đã trở nên quen thuộc và được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng lựa chọn (gọi tắt là “nhãn hiệu chưa được công nhận nổi tiếng”). Tuy nhiên, trên thực tế, những nhãn hiệu này lại khá chật vật trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh.
Thậm chí, có không ít trường hợp các đối thủ cạnh tranh cố tình đăng ký nhãn hiệu có hình thức, dấu hiệu trùng hoặc tương tự nhưng lại thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ khác để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do các nhãn hiệu trên mặc dù có mức độ nổi tiếng nhất định nhưng chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, dẫn đến việc việc bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn và phức tạp.
Gặp khó khăn khi bảo vệ thương hiệu hoặc mở rộng lĩnh vực
Thứ nhất, chủ sở hữu nhãn hiệu nhãn hiệu chưa được công nhận nổi tiếng gặp khó khăn trong việc mở rộng việc kinh doanh sang các lĩnh vực khác khi không lên kế hoạch rõ cho việc kinh doanh trong tương lai.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp có nhãn hiệu A khá nổi tiếng và phổ biến tại Việt Nam, đã được đăng ký bảo hộ nhưng lại có một bên khác đã đăng ký nhãn hiệu B, có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu này nhưng không trùng hoặc tương tự (ít nhất là theo quan điểm của chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ) với nhóm hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu A thì không hẳn là nhãn hiệu này được bảo hộ hoàn toàn mà nhãn hiệu B đó vẫn có khả năng được bảo hộ tại Việt Nam.
Ví dụ tại Hình 1, nhãn hiệu AFC của Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam (gọi tắt là “Mondelez”) được ra đời từ trước năm 2000, nhận được nhiều giải thưởng, thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo cũng như sản phẩm bánh cracker AFC được nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng nhưng lại chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.
Do đó, mặc dù đã được bảo hộ từ 05-01-2001 nhưng vẫn có nhiều nhãn hiệu khác chứa dấu hiệu là tên AFC được đăng ký bảo hộ vì nhãn hiệu AFC của Mondelez chỉ được bảo hộ cho nhóm hàng hóa 30 về sản phẩm bánh kẹo. Điều này cũng tương tự với nhãn hiệu Thiên Long. khi Thiên Long nổi tiếng và được bảo hộ đối với các nhóm hàng hóa về dụng cụ văn phòng phẩm, đồ chơi và mực in (Hình 2).
Các chuyên viên của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thường giải thích rằng mặc dù nhãn hiệu được yêu cầu đánh giá được coi là tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ (về mặt cấu trúc và cách phát âm, cách trình bày), thì vẫn được đánh giá là khác biệt khi so sánh nhóm hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu được yêu cầu đánh giá với nhóm hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu chưa được công nhận nổi tiếng.
Cụ thể, nhãn hiệu được yêu cầu đánh giá có đối tượng khách hàng mục tiêu và kênh thương mại riêng biệt và nhóm hàng hóa, dịch vụ của 2 nhãn hiệu cũng khác nhau. Điều này cũng được thể hiện trong cách thẩm định nội dung của Cục SHTT, nếu nhãn hiệu đó có nhóm hàng hóa, dịch vụ không trùng hoặc tương tự thì khả năng cao vẫn được Cục SHTT ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.
Điều này cũng dẫn tới việc chủ sở hữu nhãn hiệu chưa được công nhận nổi tiếng khó phản đối thành công các nhãn hiệu có hình thức trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu trên, chỉ vì không có nhóm hàng hóa trùng hoặc tương tự dù trong thực tế có thể có người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ giữa 2 nhãn hiệu.
Ngoài ra, không chỉ nhãn hiệu Việt Nam mà nhiều nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài cũng gặp khó khăn khi đăng ký hoặc phản đối nhãn hiệu khác tại Việt Nam khi nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài chưa được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Thứ hai, chủ sở hữu nhãn hiệu chưa được công nhận nổi tiếng thường gặp khó khăn trong việc thực thi quyền và xử lý xâm phạm. Chẳng hạn, các cá nhân, tổ chức khác sử dụng dấu hiệu trùng với một phần hoặc toàn bộ của nhãn hiệu trên biển hiệu, website, trang mạng xã hội… cũng gây cho chủ sở hữu nhiều khó khăn trong việc xử lý.
Thông thường chủ sở hữu phải yêu cầu giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPRI), lập vi bằng hay thậm chí xin ý kiến đánh giá của Cục SHTT để có bằng chứng xử lý nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công.
Trong nhiều vụ việc, 2 cơ quan là VIPRI và Cục SHTT lại ra kết luận không có lợi, dẫn tới việc doanh nghiệp khó xử lý bên xâm phạm. Thậm chí trong nhiều vụ án, mặc dù hai cơ quan trên ra kết luận có lợi nhưng tòa án lại có quan điểm khác, dẫn đến chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng lại không có được kết quả mong đợi.
Ví dụ trong vụ án Nhựa Bình Minh kiện nhựa Bình Minh Việt, tòa án đã xác định nhựa Bình Minh Việt không xâm phạm nhãn hiệu nhựa Bình Minh mặc dù kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) khẳng định dấu hiệu "NHUA BINH MINH" gắn trên sản phẩm ống nhựa PVC do Công ty Bình Minh Việt sản xuất là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của Công ty nhựa Bình Minh đang được bảo hộ.
Thứ ba, Việt Nam theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, nghĩa là bất kỳ nhãn hiệu nào của Việt Nam hay nước ngoài phải nộp đơn đăng ký nếu muốn được bảo hộ (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng). Điều này gây không ít khó khăn cho chủ sở hữu khi chưa kịp nộp đơn đã có các bên khác đăng ký trước, dẫn đến chủ sở hữu phải nộp đơn phản đối và thời gian yêu cầu bảo hộ kéo dài. Nhiều trường hợp nhãn hiệu đã nộp đơn 12, 13 năm nhưng chưa được chấp nhận bảo hộ vì chưa có kết quả phản đối các nhãn hiệu đối chứng.
Có thể thấy rằng, chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu khi chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.
Không dễ để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng
Việc hiểu rõ các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng là điều kiện cần thiết để chủ sở hữu nhãn hiệu có thể yêu cầu công nhận nhãn hiệu nổi tiếng và bảo vệ quyền lợi của mình
Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu Công nghiệp (gọi tắt là “Công Ước Paris) và Hiệp định về Khía cạnh Liên quan đến Quyền Sở hữu Trí tuệ (Hiệp định TRIPS) là hai thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó, quy định các nguyên tắc trong việc bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 (Luật SHTT), nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu đó phải thỏa mãn một số hoặc tất cả các tiêu chí đánh giá theo Điều 75 Luật SHTT như sau:
(i) Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
(ii) Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
(iii) Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
(iv) Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
(v) Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
(vi) Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; (vii) Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
(viii) Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Khi được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì có các lợi ích khi so với nhãn hiệu thông thường như sau:
(i) Về phạm vi bảo hộ: Nhãn hiệu nổi tiếng có thể được trích dẫn làm nhãn đối chứng để từ chối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu khác ngay cả khi hàng hóa hoặc dịch vụ mà nhãn hiệu được đăng ký không trùng hoặc tương tự với hàng hóa hoặc dịch vụ của nhãn hiệu nổi tiếng;
(ii) Về thời hạn bảo hộ: Thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu thông thường là 10 năm tính từ ngày nộp đơn và được phép gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm. Ngược lại, nhãn hiệu nổi tiếng không xác lập dựa trên cơ sở nộp đơn nên chủ sở hữu không phải tiến hành thủ tục gia hạn, miễn là vẫn đáp ứng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định pháp luật.
Mặc dù có nhiều lợi ích khi được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng nhưng việc được công nhận chưa bao giờ là dễ dàng khi chủ sở hữu nhãn hiệu thường gặp phải các vấn đề sau đây:
(i) Nhãn hiệu nổi tiếng chủ yếu được ghi nhận theo Quyết định của Cục SHTT hoặc được ghi nhận theo thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án, sau đó được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được ghi nhận tại Cục SHTT. Chẳng hạn, trong vụ án “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” giữa Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và bên bị khiếu nại là Công ty CP tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung, nhãn hiệu "Bia Saigon" và một số dấu hiệu trên lon bia, vỏ bia, và trên thùng carton đựng Bia Saigon của SABECO đã được bảo hộ và đủ điều kiện được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tòa án hiếm khi tự quyết định về việc nhãn hiệu đó có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không mà thường sẽ dựa vào ý kiến của các cơ quan khác như Cục SHTT. Nhưng với việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ (gọi tắt là “Tòa án SHTT”) vào ngày 24-6-2024, thẩm phán có thể tự đưa ra quyết định và giảm bớt sự phụ thuộc vào ý kiến của Cục SHTT.
Thẩm phán công tác tại Tòa án SHTT được yêu cầu phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực SHTT, khác với thời điểm trước khi thành lập Tòa án SHTT khi các thẩm phán phải xử lý đa dạng các vụ việc thuộc nhiều mảng khác nhau.
(ii) Việt Nam chưa có thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng cụ thể và việc ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu tại Cục SHTT là chưa hợp lý vì việc ghi nhận như vậy mang tính chất khép kín, gây khó khăn cho chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng trong việc thực thi quyền.
(iii) Còn thiếu cơ chế về việc đánh giá lại nhãn hiệu nổi tiếng trong khoảng thời gian nhất định để xác định xem nhãn hiệu đó có còn đáp ứng các tiêu chí của nhãn hiệu nổi tiếng hay không.
Nhãn hiệu nổi tiếng không phải là chìa khóa vạn năng
Có thể thấy rằng, việc nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng mang lại nhiều lợi thế cho bên sở hữu trong việc bảo vệ nhãn hiệu cũng như độc quyền khai thác trên thị trường mà không có các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng không phải chìa khóa vạn năng giúp doanh nghiệp bảo vệ nhãn hiệu của mình mà vẫn còn nhiều hạn chế. Một số hạn chế có thể kể đến như sau:
(i) Căn cứ theo điểm i khoản 2 Điều 74 Luật SHTT, bất kỳ nhãn hiệu nào có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng nhưng nếu không làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu không nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu đó vẫn có thể được bảo hộ tại Việt Nam. Do đó, việc nhãn hiệu khác có bị coi là có khả năng phân biệt hay không vẫn phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của thẩm định viên khi đăng ký nhãn hiệu.
(ii) Nhãn hiệu được coi là nổi tiếng tại nước ngoài có khả năng cao không được coi là nổi tiếng tại Việt Nam vì nhãn hiệu có tính chất lãnh thổ. Do đó, điều này cũng gây ra nhiều khó khăn trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng tại nước ngoài lựa chọn yêu cầu Cục SHTT công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng thì chủ sở hữu cần phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu đáp ứng các tiêu chí đánh giá khi chưa có quy định cụ thể mang tính định lượng đối với từng tiêu chí.
-------------------
(*) Trợ lý Tư vấn TTQ SHTT, Công ty cổ phần Sở hữu Công nghiệp INVESTIP