Nhiều bên chung tay quảng bá du lịch bằng điện ảnh
Mong muốn tận dụng sức mạnh điện ảnh quảng bá hình ảnh địa phương, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, gần đây được thể hiện rõ hơn bao giờ hết với sự ra đời của nhiều sự kiện điện ảnh tổ chức quy mô.
Đáng ghi nhận là có sự nhập cuộc nhiệt tình của địa phương, hiệp hội - hội nghề nghiệp và các công ty tư nhân giúp nâng tầm các liên hoan phim, lễ trao giải…
Tìm cái riêng trong mục tiêu chung
Ngày 20/9, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã công bố khởi động Liên hoan phim (LHP) quốc tế TPHCM (HIFF) lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 6 - 13/4/2024. Đây là sự kiện điện ảnh được kỳ vọng là lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2024, hướng đến mục tiêu đưa TPHCM trở thành một thành phố điện ảnh. Là thị trường điện ảnh phát triển nhất nước, chiếm phần lớn thị phần nhưng do vướng nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề luật nên cho tới nay TPHCM mới có 1 LHP quốc tế riêng.
Luật Điện ảnh mới có hiệu lực từ đầu năm nay cho phép các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, địa phương được tổ chức LHP, LHP chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. Nhờ đó, các địa phương bắt đầu tăng tốc trong việc kết hợp với các hiệp hội - hội điện ảnh tổ chức những sự kiện điện ảnh để kích cầu du lịch.
Với TP Đà Nẵng, chỉ sau hơn chục ngày luật có hiệu lực, Đà Nẵng liền công bố kế hoạch tổ chức LHP châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 9 - 13/5). Nha Trang vừa đảm nhận tổ chức lễ trao giải Cánh diều lần thứ hai và sẽ tiếp tục vai trò này đến năm 2025.
Việc chọn Nha Trang làm điểm đến cố định thay vì diễn ra luân phiên ở Hà Nội và TPHCM là bước khởi đầu cho hành trình đưa giải Cánh diều trở thành liên hoan du lịch - điện ảnh thường niên tầm cỡ quốc gia và biến thành phố biển Nha Trang thành thành phố điện ảnh - du lịch.
Dù cũng hướng đến mục tiêu chung là thông qua phim ảnh phát triển văn hóa, du lịch đồng thời tạo tiền đề cho điện ảnh hội nhập sâu rộng quốc tế nhưng có điểm đáng khen là từng đơn vị đều nỗ lực tìm ra nét riêng để tránh trùng lắp. LHP châu Á Đà Nẵng không giống bất cứ LHP nào tổ chức tại Việt Nam khi có 2 hạng mục dự thi là giải thưởng Phim châu Á và giải thưởng Phim Việt Nam.
LHP quốc tế TPHCM khác biệt ở việc có giải dành riêng cho phim về đề tài TPHCM cũng như bổ sung thêm một số hạng mục chưa từng có ở bất cứ LHP nào khác. Giải Cánh diều 2023 gây ấn tượng với việc lần đầu xuất hiện công trình Bức tường danh vọng tôn vinh các tác phẩm, cá nhân từng đoạt giải.
Có đi thì mới thành đường
Một điểm sáng ở việc nở rộ các sự kiện điện ảnh gần đây là ngoài sự chủ động kết hợp giữa địa phương và tổ chức nghề nghiệp, còn có sự góp mặt của các đơn vị tư nhân. DANAFF bắt tay với đơn vị UniMedia, lễ trao giải Cánh diều có sự tham gia của Tập đoàn KDI Holdings; HIFF có đơn vị tư vấn tổ chức là Công ty VietFest. Cái bắt tay 3 bên này giúp cho các hoạt động trong LHP, lễ trao giải đa dạng, hài hòa hơn về mặt chuyên môn, nghệ thuật và kinh tế, thương mại.
Cụ thể, ngoài các hoạt động truyền thống như hội thảo, tọa đàm, triển lãm ảnh, chợ dự án, giao lưu sau các buổi chiếu phim, các khóa học về nghề còn có nhiều chương trình bên lề thú vị khác. Khán giả của giải Cánh diều được đi xe buýt miễn phí tham quan thành phố, dự liên hoan ẩm thực - du lịch - điện ảnh thưởng thức những món ăn, sản phẩm của các dân tộc ở tỉnh Khánh Hòa. DANAFF và HIFF có cine tour tham quan các thắng cảnh trong thành phố. Điều này giúp cho các LHP, lễ trao giải có thể thu hút nhiều du khách hơn chứ không chỉ những người yêu điện ảnh.
Dù chạy theo mục tiêu phát triển du lịch, tạo dựng sự kiện thương hiệu riêng cho địa phương thông qua ngành điện ảnh, các LHP quốc tế vẫn cố gắng đảm bảo đây vẫn là nơi dành cho những người làm phim, nhất là những tài năng trẻ. Trong khi quỹ điện ảnh vẫn còn nằm trên giấy thì DANAFF 2023 đã lập ra quỹ APSA, mỗi năm tài trợ 4 khoản trị giá 25.000 USD cho các nhà làm phim. Lâu nay, APSA đã cung cấp hơn 1,3 triệu USD cho 53 dự án từ 27 quốc gia. HIFF lần thứ I/2024 cũng có quỹ để nuôi dưỡng, hỗ trợ những nhà làm phim tài năng và trao giải cho những dự án tiềm năng.
Biến các thành phố biển, thành phố kinh tế quan trọng của cả nước trở thành điểm đến cho những sự kiện điện ảnh và định hướng các LHP, lễ trao giải vươn tầm quốc gia, châu lục là xu thế phát triển đúng đắn của ngành điện ảnh. Lâu nay, công tác quảng bá văn hóa, du lịch thông qua phim ảnh đã được các quốc gia trên thế giới làm rầm rộ nhưng Việt Nam chưa làm tốt dù nước ta là thị trường điện ảnh tăng trưởng tốt nhất trong khu vực, lại có lợi thế về cảnh đẹp tự nhiên.
Luật Điện ảnh mới được đưa vào cuộc sống đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, trở thành đòn bẩy để ngành điện ảnh phát huy sức mạnh “mềm”. Tham vọng muốn trở thành một LHP tầm cỡ châu lục, một điểm đến thường niên của du khách, đặc biệt là khách quốc tế khi thế giới đang có quá nhiều LHP là điều lớn lao đối với một nền điện ảnh non trẻ như Việt Nam. Nhưng có đi thì mới thành đường.
Hương Nhu (Báo Phụ nữ Online)