Nhiều bệnh nhân đột quỵ nguy kịch được cứu sống kịp thời

Đối tượng chủ yếu mắc đột quỵ là người ngoài 60 tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, bệnh lý tim mạch và nam giới hút thuốc lá nhiều.

Chăm sóc hồi sức cho bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Chăm sóc hồi sức cho bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Từ tháng 9 đến nay, tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế có gần 470 ca bệnh nhập viện từ tuyến dưới cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Tỷ lệ bệnh tăng đáng kể so với các tháng trước đó khoảng 20-30%, trong đó nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch đã được cấp cứu, điều trị thành công.

Đối tượng chủ yếu mắc đột quỵ là người ngoài 60 tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, bệnh lý tim mạch và nam giới hút thuốc lá nhiều.

Tuy nhiên, không ít người trẻ dưới 50 tuổi mắc đột quỵ bởi nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp và mắc các bệnh lý mạch máu; trong đó có khoảng 15-25% trường hợp đột quỵ ở tình trạng nặng, nguy kịch.

Từng trải qua 2 lần tai biến, anh Tôn Thất Tú (42 tuổi) nhập viện tại Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, liệt tứ chi và đột quỵ thể xuất huyết nặng. Nguyên nhân được xác định là tăng huyết áp không được điều trị thường xuyên và không được kiểm soát tốt. Sau hơn 1 tháng nỗ lực hồi sức tích cực, anh Tú đã có thể nhận thức, tứ chi hoạt động được tuy nhiên còn yếu.

Trước mắt, bệnh nhân phải phụ thuộc vào sự chăm sóc thường xuyên của điều dưỡng. Về lâu dài, người bệnh vẫn có thể bình phục được nhưng sẽ chậm và tỷ lệ không cao.

Trung bình mỗi tuần có từ 5-7 bệnh nhân nặng, nguy kịch được Trung tâm Đột quỵ của đơn vị cứu sống, vượt qua cơn nguy kịch. Trên 80% bệnh nhân có kết quả hồi phục rất tốt trong giai đoạn đầu.

Nếu xuất hiện các di chứng (như: yếu liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, nói, nuốt), bệnh nhân có thể tiếp tục được điều trị tại khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế), nếu được nhập viện sớm, kể cả những trường hợp đột quỵ rất nguy kịch (liệt, hôn mê, rối loạn ý thức nặng), tỷ lệ can thiệp tái thông mạch máu não thành công tại Trung tâm Đột quỵ vẫn cao và bệnh nhân có thể hồi phục ngoạn mục.

Bệnh viện Trung ương Huế ghi nhận số ca đột quỵ tăng đột biến. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Bệnh viện Trung ương Huế ghi nhận số ca đột quỵ tăng đột biến. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Để có được tỷ lệ tái thông thành công cao như trên là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm Đột quỵ với các cơ sở y tế tuyến trước để hỗ trợ các trường hợp bệnh lý mạch máu não phức tạp, đột quỵ được chuyển viện, cấp cứu kịp thời.

Song song đó, đơn vị làm tốt công tác truyền thông để người dân biết được mức độ quan trọng của “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ.

Người dân cần nhanh chóng chuyển người bệnh nghi ngờ đột quỵ đến các cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt; ưu tiên những cơ sở y tế có thể thực hiện được hai liệu pháp tái thông, đặc biệt là can thiệp nội mạch lấy huyết khối.

Bởi vì, phần lớn các trường hợp tắc mạch máu não nặng, nguy kịch chỉ có thể điều trị hiệu quả bằng can thiệp mạch.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, mới đây, Trung tâm Đột quỵ của đơn vị đã nhận được giải thưởng Diamond (kim cương) của Hội Đột quỵ thế giới.

Trung tâm được tổ chức theo mô hình điều trị toàn diện cho bệnh nhân bao gồm: Cấp cứu, hồi sức, can thiệp mạch não và phục hồi chức năng thần kinh đột quỵ; bên cạnh đó có sự phối hợp của chuyên ngành Ngoại thần kinh.

Do đó, đơn vị có thể lựa chọn phương án điều trị cần thiết, hiệu quả nhất cho những bệnh nhân đột quỵ; đặc biệt là các trường hợp cần can thiệp để mang lại kết quả tốt nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhieu-benh-nhan-dot-quy-nguy-kich-duoc-cuu-song-kip-thoi-post905198.vnp