Nhiều bệnh nhân uốn ván nguy kịch

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận ca bệnh uốn ván với bệnh cảnh nặng.

Bệnh nhân uốn ván điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân uốn ván điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Cụ thể, bệnh nhân N.V.G. (nam, 49 tuổi), tiền sử khỏe mạnh, làm nghề thợ mộc ở Bắc Ninh đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai với biểu hiện: Cứng hàm, khó há miệng, khó thở, đi lại khó khăn. Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị uốn ván toàn thể suy hô hấp.

Trước khi nhập viện 2 tuần, bệnh nhân bị máy bào gỗ cắt qua đốt số 1 ngón thứ 3 tay trái. Bệnh nhân không đến bệnh viện mà tự xử lý vết thương và đắp lá tại nhà. Do chủ quan nên bệnh nhân không tiêm phòng uốn ván sau khi bị thương.

Khi vào viện, vết thương ở ngón tay bị hoại tử đen, nghi có chứa dị vật. Bệnh nhân đã được xử lý cắt lọc, rửa sạch vết thương. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị, bệnh tiến triển nặng dần và phải điều trị hồi sức tích cực. Sau nhiều lần hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng nguy kịch.

Trường hợp khác là bệnh nhân N.V.M. (nam, 56 tuổi), làm nghề nông ở Hải Dương, nhập viện trong tình trạng cứng hàm, khó ăn, khó nuốt, không há được miệng, tăng trương lực cơ toàn thân, đau đầu, mệt mỏi. Trước đó 1 tuần, bệnh nhân có nhọt chín mé ở ngón chân cái nhưng chủ quan lội nước bẩn trong đợt mưa bão nên vi khuẩn xâm nhập qua vết thương vào cơ thể. Từ trước tới nay, bệnh nhân chưa tiêm phòng uốn ván.

Sau hơn 1 tuần được theo dõi và điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển khả quan.

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani sống ở môi trường đất bẩn xâm nhập vào cơ thể.

Về phòng chống bệnh uốn ván, trước hết, cần tiêm vắc-xin, nhất là với những nhóm có nguy cơ cao. Trẻ em phòng bệnh uốn ván từ 2 tháng tuổi với liều vắc-xin 6/1 (cần theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan y tế). Phụ nữ mang thai cần tiêm phòng uốn ván vào đúng thời điểm thai kỳ.

Khi bị thương, trầy xước, cần ngay lập tức sát trùng vết thương đúng cách, tránh bịt kín vết thương. Sau đó, đến cơ sở y tế để được tiêm phòng kháng huyết thanh uốn ván kèm xử lý vết thương bằng cách cắt lọc tổ chức hoại tử, dập nát, loại bỏ dị vật, rửa oxy già. Khi lao động, sinh hoạt cần hạn chế tiếp xúc với bùn đất, vật dụng ô nhiễm. Nếu phải tiếp xúc, cần có biện pháp bảo hộ như đi ủng, găng tay...

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-benh-nhan-uon-van-nguy-kich-post703846.html