Phối hợp nhịp nhàng, cứu sống người bệnh trong gang tấc

Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy đã phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cứu sống một bệnh nhân cao tuổi bị sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp nhờ hội chẩn liên viện kịp thời.

Các bác sĩ thực hiện ca can thiệp tim mạch cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ thực hiện ca can thiệp tim mạch cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bà Đ.T.S (86 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến thăm người thân tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thì đột ngột gặp vấn đề sức khỏe. Vào khoảng 13h chiều, bà bắt đầu cảm thấy đau ngực dữ dội sau xương ức, lan lên cổ, kèm theo tức ngực và khó thở. Gia đình đã nhanh chóng đưa bà đến Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên để cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà bị nhồi máu cơ tim cấp, huyết áp thấp (60/40mmHg), nhịp tim chậm và rời rạc (35 lần/phút). Nhận thấy tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, ê kíp cấp cứu của Trung tâm Y tế đã ngay lập tức hội chẩn với ThS.BS Đinh Danh Trình - Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy. Hai bên đã thống nhất phương pháp hồi sức cấp cứu và quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bãi Cháy trong thời gian nhanh nhất.

Khi xe cứu thương đang trên đường, ê kíp cấp cứu của Bệnh viện Bãi Cháy đã được thông báo đầy đủ về tình trạng của bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng. Ngay khi bà S đến nơi, quy trình "báo động đỏ" được kích hoạt tức thì.

Kết quả điện tâm đồ cho thấy bệnh nhân bị Block nhĩ thất cấp 3, với đoạn ST chênh lên ở nhiều vị trí. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp kèm Block nhĩ thất cấp 3, cần can thiệp cấp cứu ngay lập tức.

Ths.BS Đinh Danh Trình cùng ê kíp đã nhanh chóng tiến hành chụp mạch vành qua hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải (RCA) đoạn 1 và xơ vữa lan tỏa gây hẹp 90-95% động mạch liên thất trước (LAD) đoạn 1-2. Ê kíp đã đồng thời thực hiện nhiều thao tác quan trọng: hồi sức tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời, tái thông động mạch vành và đặt một stent vào đoạn mạch bị tắc.

Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) để tiếp tục điều trị, bao gồm thở máy và dùng thuốc trợ tim liều cao. Sau 5 ngày chăm sóc tích cực, tình trạng của bà S đã cải thiện đáng kể, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt và có thể thực hiện các y lệnh. Bệnh nhân được rút nội khí quản, ngừng dùng thuốc trợ tim và chuyển về khoa Tim mạch để tiếp tục điều trị. Hiện tại, sức khỏe của bà đã ổn định.

ThS.BS Đinh Danh Trình chia sẻ: sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy và Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên đã góp phần quyết định trong việc cứu sống bà Đ.T.S.

Cũng theo ThS.BS Đinh Danh Trình, nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính gây những cơn đau thắt ngực, sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử. Với phương châm "thời gian là cơ tim, cơ tim là sự sống", việc cấp cứu và xử trí trong thời gian vàng là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng người bệnh.

Các triệu chứng chính của nhồi máu cơ tim bao gồm đau ngực, vã mồ hôi, hốt hoảng, xanh tái và khó thở. Bác sĩ Đinh Danh Trình khuyến cáo: nếu nhồi máu cơ tim được phát hiện và xử trí trong vòng 3-6 giờ đầu, kết quả điều trị sẽ tốt nhất, giúp giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng và tử vong.

Cuối cùng, BS Đinh Danh Trình nhấn mạnh: nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ và nhanh chóng, không chỉ ở người cao tuổi mà cả người trẻ cũng có thể gặp phải. Vì vậy, những người có các yếu tố nguy cơ cao về tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, ít vận động, hút thuốc lá, làm việc căng thẳng nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Việc tầm soát và chẩn đoán sớm có thể giúp kiểm soát và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phoi-hop-nhip-nhang-cuu-song-nguoi-benh-trong-gang-tac-397365.html