Nhiều bị hại vắng mặt trong phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Mặc dù Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã dựng rạp, bố trí ghế ngồi cho các bị hại để phục vụ việc xét xử. Tuy nhiên theo ghi nhận, cho đến cuối giờ sáng, nhiều người vắng mặt...

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến tòa sáng 22/7. Ảnh: Q.A

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến tòa sáng 22/7. Ảnh: Q.A

Ngày 22/7, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Hầu tòa cùng ông Quyết có gần 50 bị cáo là thuộc cấp của ông tại FLC và hệ sinh thái thuộc Tập đoàn.

Về phía cơ quan Nhà nước, các bị cáo: Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM - HOSE; Lê Hải Trà, cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết HOSE; Trầm Tuấn Vũ, cựu phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HOSE; Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết HOSE hầu tòa về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo: Lê Công Điền, cựu vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Dương Văn Thanh, cựu tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Trung Minh, cựu trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam phạm tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Khoảng 7h cùng ngày, ông Quyết được đưa tới phiên tòa. Ông Quyết tỏ ra khá mệt mỏi. Các bị cáo cũng được đưa đến phiên xử sau đó.

Ngoài các bị cáo, hội đồng xét xử triệu tập hơn 30.000 bị hại và hơn 60.000 người liên quan, đều là những nhà đầu tư, từng mua cổ phiếu trong vụ án. Để phục vụ số bị cáo này, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội dựng rạp, bố trí ghế ngồi cho các bị hại. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, đến cuối buổi sáng, số bị hại có mặt vẫn rất ít.

Anh Trường Giang đến Tòa từ rất sớm. Ảnh: Q.A

Anh Trường Giang đến Tòa từ rất sớm. Ảnh: Q.A

Có mặt tại phiên tòa, anh Trường Giang (SN 1997, trú huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết đang còn 38.000 cổ phiếu ROS trong tài khoản chưa bán được bởi mã này đã bị đình chỉ giao dịch.

Theo anh Trường Giang, đây là số cổ phiếu anh mua dần trong nhiều năm, từ khi còn nằm trong nhóm VN30, với ý định đầu tư lâu dài.

Anh cho biết, anh đến phiên tòa và mong muốn được bồi thường lại số tiền đã mua mã cổ phiếu này theo giá lúc mua vào. Bị hại này cũng cho biết, trước đó anh từng nhiều lần mua mã cổ phiếu FLC, nhưng chỉ "lướt sóng", có lúc lãi, có lúc lỗ. Chỉ có mã ROS anh tính đầu tư lâu dài nhưng không nghĩ có ngày bị đình chỉ giao dịch.

Một bị hại khác ở Đà Nẵng cho biết, anh mua 3 mã cổ phiếu của FLC với số tiền 14 tỷ đồng. Số tiền này do anh đi làm tích góp gần 30 năm và vay mượn ngân hàng, người thân, bạn bè.

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội dựng rạp, bố trí màn hình lớn để phục vụ các bị hại theo dõi phiên tòa. Ảnh: N.D

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội dựng rạp, bố trí màn hình lớn để phục vụ các bị hại theo dõi phiên tòa. Ảnh: N.D

Khi ông Quyết bị bắt, giao dịch bị đình chỉ, bị hại này đã cố gắng cầm cự, vay mượn khắp nơi để trả lãi cho ngân hàng số tiền đã vay. Toàn bộ vốn liếng của anh dồn tất vào mã cổ phiếu của FLC.

Trước đó, luật sư của ông Trịnh Văn Quyết nộp cho tòa án quan điểm bào chữa với nội dung chủ yếu xin giảm nhẹ tội cho cựu Chủ tịch FLC cùng 376 văn bản với khoảng 4.280 người ký tên xin giảm trách nhiệm hình sự cho ông Quyết cùng các bị cáo khác trong vụ án. Trong số những người có đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo có 88/133 bị hại.

Trong 50 bị cáo, phần lớn là các lãnh đạo và nhân viên của các công ty thuộc "hệ sinh thái" 82 công ty của FLC. Họ đồng thời là anh em, bạn bè ông Quyết.

Ngoài ra có 7 cựu cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Ông Quyết (bị bắt tháng 3/2022) cùng 26 bị cáo đang bị tạm giam. 23 người còn lại được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trong vụ án, ông Doãn Văn Phương - cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Faros, được xác định có vai trò quan trọng, nhưng bị can đang bỏ trốn.

Cơ quan công tố xác định, ông Phương đã xuất cảnh sang Anh và chưa trở lại Việt Nam nên cơ quan điều tra đã tách xử lý hành vi của ông này sau.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-bi-hai-vang-mat-trong-phien-xet-xu-so-tham-cuu-chu-tich-tap-doan-flc-trinh-van-quyet-388702.html