Nhiều biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng ở Bình Phước
Hơn 3 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ luôn ở mức cao nhất trong các tỉnh, thành phía Nam, cấp dự báo cháy rừng nhiều nơi đang ở mức V, mức cực kỳ nguy hiểm. Trước thực trạng đó, các chủ rừng đã xây dựng nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) để quyết tâm bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có.
Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Vườn) cho biết, Vườn có diện tích hơn 25.500ha, trong đó 1.700ha lồ ô thuần loài, 16.000ha lồ ô xen gỗ nên rất dễ xảy ra cháy vào mùa khô. Rừng ở đây luôn đặt ở cấp V - cấp rất nguy hiểm.
Vào đầu mùa khô, ở khu vực xung quanh lâm phần, bà con thường phát dọn, đốt rẫy điều để thu hoạch, rồi việc sử dụng lửa không cẩn thận khi vào rừng của một số người dân, một số đối tượng vào rừng trái phép để săn bắn, bẫy thú, khai thác gỗ, trong lúc sử dụng lửa không cẩn thận để cháy lan vào rừng. Trước thực trạng đó, Vườn đã xây dựng các phương án và giao Hạt Kiểm lâm Vườn thực hiện. Tổ kiểm lâm cơ động và PCCR cùng các trạm kiểm lâm tăng cường tuần tra, canh gác tại các tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao, khu vực dọc quốc lộ 14C, đường tuần tra biên giới; cắt cử nhân lực thường xuyên trực gác tại chòi canh lửa; phát dọn hàng chục kilomet đường băng cản lửa theo ranh của vườn. Ngoài ra còn tuyên truyền và tổ chức ký cam kết không phát dọn, lấn chiếm, để lửa cháy lan vào rừng. Ngoài lực lượng nòng cốt còn có 15 đơn vị cộng đồng nhận khoán, phải cắt cử người (6 người/ca trực) tuần tra PCCR 24/24 giờ trong những tháng mùa khô.
Ông Bùi Xuân Ngọc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú cho biết, huyện hiện có hơn 17.696ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 6.000ha, còn lại là rừng trồng. Phần lớn rừng tự nhiên của huyện là rừng lồ ô xen gỗ, lớp thực bì dày nên rất dễ cháy. Nhằm nâng cao công tác PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, hạt đã xây dựng kế hoạch, phương án và huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để ứng phó khi có tình huống xảy ra. Trong đó, huyện thành lập 6 chốt trọng yếu tại các nơi có nguy cơ cháy cao. Các chốt này có nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức trong nhân dân về PCCCR. Mặt khác, bố trí lực lượng trực chiến tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao và đẩy mạnh hoạt động tuần tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào rừng. Với phương châm “phòng hơn cứu”, huyện Đồng Phú đã trang bị 13 bồn nhựa chứa hơn 5.000 lít nước, 90 can nhựa chứa nước tại những khu vực có nguy cơ cháy cao. Lập phương án lấy nước từ các hồ chứa nước trong rừng. Đồng thời, trang bị 2 máy bơm chữa cháy áp lực cao, 4 máy bơm mini, 5 máy thổi gió, 5 xe máy chữa cháy rừng chuyên dụng, 65 bình phun nước, 88 câu liêm chữa cháy rừng.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bù Đốp cho biết, trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao như hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã triển khai nhiều biện pháp PCCCR như: tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các chủ rừng và người dân địa phương; xây dựng các biển cấp dự báo cháy rừng; xây dựng chòi canh lửa; bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ vào những ngày nắng nóng. Mặt khác, thường xuyên cử lực lượng trực cháy tại các tiểu khu trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Song song đó, kiểm tra, tu sửa các công trình phòng, chống cháy...
Với diện tích hơn 82.000ha, Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, nay là Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm, trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, trong đó diện tích thuộc tỉnh Bình Phước hơn 4.300ha. Vườn quốc gia Cát Tiên chủ yếu là rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, tre nứa, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa và rừng trồng.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, vào thời điểm này, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức rất cao. Ngoài thực hiện nhiệm vụ PCCR ban ngày, lực lượng kiểm lâm của đơn vị còn phải tuần tra ban đêm để ngăn chặn người dân ra, vào rừng trái phép.
Theo ông Trần Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, hầu hết diện tích rừng hiện đặt trong tình trạng cảnh báo cháy rất cao, nhiều nơi cấp dự báo cháy rừng đang ở mức V, mức cực kỳ nguy hiểm. Theo đó, yêu cầu các phòng, đội, đơn vị trực thuộc; các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Luật Lâm nghiệp về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
Duy trì thường xuyên hoạt động của đoàn, đội liên ngành bảo vệ rừng - PCCCR cấp tỉnh, cấp huyện trong việc tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách; phối hợp kiểm tra, điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm về quản lý của người đứng đầu khi để ra cháy rừng.