Nhiều bộ, địa phương chưa báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường niên 18 năm nay, nhưng đến 2023 này, nhiều bộ, địa phương vẫn chưa báo cáo.

Thanh tra Chính phủ vừa trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 2023.

Đây là báo cáo thường niên của Chính phủ trình Quốc hội, được thực hiện từ 18 năm nay, theo Luật PCTN năm 2005.

Theo tờ trình gửi Thủ tướng hôm 18-8, Thanh tra Chính phủ - cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCTN - cho biết nhiều bộ, địa phương vẫn chưa nghiêm túc trong việc báo cáo công tác quan trọng này.

Cụ thể, ngày 18-7, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo công tác PCTN. Một tháng sau, ngày 17-8, Thanh tra Chính phủ ra tiếp văn bản đôn đốc, nhắc nhở, nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa nộp báo hoặc chưa cập nhật số liệu.

Nhiều cái tên được nhắc tới như Bộ GT&VT, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, UBND các địa phương Hà Nội, Bạc Liêu, Khánh Hòa... chưa nộp báo cáo bằng văn bản.

Một số nơi chưa nhập số liệu và phần mềm cơ sở dữ liệu báo cáo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, như Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ LĐTB&XH, Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, TTX Việt Nam, BHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, và UBND các địa phương như Hà Nội, Quảng Bình, Kiên Giang, Đồng Nai...

Trên cơ sở số liệu, báo cáo mà các địa phương, bộ ngành khác đã gửi về, Thanh tra Chính phủ đã tổng hợp, dự thảo báo cáo công tác PCTN của Chính phủ trình Quốc hội kỳ họp tháng 10 tới. Theo đó đánh giá việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng năm qua có chuyển biến tích cực.

Kiểm soát tài sản, thu nhập là một nội dung mới, nằm trong nhóm các biện pháp phòng ngừa của Luật PCTN 2018. Triển khai nội dung này, tháng 2-2022, Bộ Chính trị đã ra Quyết định 56-QĐ/TW ban hành Quy chế Phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN.

Trên cơ sở đó, năm 2022, cả nước đã tiến hành xác minh TSNT theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên với 13.093 cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn. Qua đó phát hiện 2.664 trường hợp vi phạm, sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn. Ở mức độ vi phạm nặng hơn, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai TSTN và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Các hình thức xử lý là xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử, kỷ luật cảnh cáo, cách chức…

Dự thảo báo cáo do Thanh tra Chính phủ xây dựng cũng dành một mục về tình hình xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Theo đó, tổng hợp số liệu năm 203 đến lúc này, cả nước có 39 người đứng đầu, cấp phó bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Có 11 người bị xử lý hình sự, 28 người bị xử lý kỷ luật.

Thanh tra Chính phủ đánh giá việc xử lý người đứng đầu có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò trách nhiệm đối với công tác PCTN tại các cơ quan, đơn vị.

Cũng ở nhóm giải pháp phòng ngừa, dự thảo cho biết một số tác dụng cụ thể của việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, năm 2023, có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng. Với quy định về chống xung đột lợi ích, cũng là một nội dung mới của Luật PTNT 2018 thì năm qua không có trường hợp nào bị xử lý.

Miễn nhiệm, từ chức

Công tác PCTN những năm qua được đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng.

Vậy nên, dự thảo báo cáo công tác PCTN năm nay có đề cập tới một số văn bản của Đảng, như Quy định 41-QĐ/TW năm 2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Thông báo số 20-TB/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2022 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện Thông báo 20…

Dự thảo cho biết trong năm qua, Thủ tướng đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm các nội dung này.

Qua đó đã kịp thời thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật, hoặc có năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết thời hạn bổ nhiệm. Ngoài ra, việc triển khai đã giúp các cán bộ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-bo-dia-phuong-chua-bao-cao-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-post748352.html