Nhiều bộ, ngành góp ý về 'người nổi tiếng', 'người có ảnh hưởng'
Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 bổ sung 'Người có ảnh hưởng' tạo căn cứ xác định chính xác và trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng
Bộ Công thương vừa báo cáo tổng tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đối với Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) năm 2023.
Nhiều ý kiến về "Người có ảnh hưởng"
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 có một số điểm mới như bổ sung, làm rõ khái niệm “Người có ảnh hưởng”.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, trước thực trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng thường xuyên thực hiện quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nên khái niệm “Người có ảnh hưởng” tạo căn cứ xác định chính xác khái niệm và trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi NTD.
Dự thảo nghị định Luật Bảo vệ NTD năm 2023 quy định “người có ảnh hưởng” là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của NTD.
Gồm người nổi tiếng; chuyên gia; người có chuyên môn cao, có ảnh hưởng trong lĩnh vực cụ thể; người có uy tín theo quy định của pháp luật; người được xã hội chú ý; người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông đại chúng và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Góp ý về quy định này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngoại trừ giải thích thế nào là người nổi tiếng, dự thảo không có thêm quy định điều chỉnh về đối tượng này.
Bên cạnh đó, quy định “người có ảnh hưởng” chỉ dựa trên các tiêu chí định tính, chưa có định lượng cụ thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau và khó áp dụng hoặc không áp dụng thống nhất trong thực tế.
Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo nghị định một số tiêu chí “mang tính định lượng.
Ví dụ, dựa trên số lượng người theo dõi hoặc tổng số lượng người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội; số tiền được trả cho mỗi bài đăng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hoặc tổng thu nhập một năm dựa trên các bài đăng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội...
Cùng quan điểm trên, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) đề nghị lượng hóa các tiêu chí để xác định “Người có ảnh hưởng” có thể bằng số lượt follow trên các nền tảng mạng xã hội…
Trong khi đó, Vụ Pháp chế đề nghị cân nhắc quy định “Người có ảnh hưởng” theo hướng làm rõ về chủ thể có “khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của NTD”.
Ví dụ như người thực hiện việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh khác tới NTD thông qua nhiều hình thức, trong đó các thông tin này được kiểm soát bởi bên thuê/tài trợ.
Bộ Kế hoạch đầu tư, Mặt trận tổ quốc cho rằng, khái niệm “Người ảnh hưởng” như dự thảo rất khó xác định, nhất là quy định người nổi tiếng, người có uy tín theo quy định của pháp luật...
Đề nghị giải thích “Người có ảnh hưởng” là chuyên gia, người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông đại chúng, người có chuyên môn cao được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của NTD và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật
Hai phương án quy định "Người có ảnh hưởng"
Theo Bộ Công thương trên cơ sở đóng góp, tiếp thu dự thảo hoàn thiện khái niệm theo hai phương án.
Phương án một, “Người có ảnh hưởng” là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể được tổ chức, cá nhân kinh doanh tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho NTD.
Việc tài trợ được thực hiện thông qua hình thức thỏa thuận giữa các bên, trong đó thông tin cung cấp được kiểm soát bởi tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Phương án hai, “Người có ảnh hưởng” là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của NTD gồm người được đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm trong lĩnh vực cụ thể và được công nhận, thừa nhận bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Người có uy tín theo quy định của pháp luật; Người được xã hội chú ý, có lượng người quan tâm, theo dõi đáng kể trên phương tiện truyền thông hoặc có tài khoản có đủ điều kiện tham gia các chương trình quảng cáo, kinh doanh trên các nền tảng số.
Giá trị giao dịch thấp nhất trên một sàn TMĐT là 12.800 tỉ đồng/năm
Luật bảo vệ NTD quy định trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn. Dự thảo Nghị định giải thích nền tảng số lớn và đưa ra các tiêu chí sau.
Có 10.000 lượt truy cập trở lên hoặc có trên 1.000 thành viên sử dụng trong một tháng tại Việt Nam; Có tổng giá trị giao dịch phát sinh từ các giao dịch trên không gian mạng tại thị trường Việt Nam trong một năm trên 12.000 tỉ đồng. Đây là nền tảng số lớn, rất lớn theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử…
Vụ Pháp chế, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị chỉnh sửa cụm từ “nền tảng số lớn, rất lớn” thành “nền tảng số trung gian quy mô lớn, rất lớn” để thống nhất với Luật Giao dịch điện tử 2023. Đồng thời có thuyết minh cụ thể về các tiêu chí xác định nền tảng số lớn, rất lớn.
Theo Bộ Công thương, để bảo đảm thống nhất với Luật Giao dịch điện tử, dự thảo đã sửa như đề nghị.
Về các tiêu chí xác định nền tảng số lớn, rất lớn thì trong quá trình xây dựng dự thảo, cơ quan soạn thảo đã rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như rà soát doanh thu, lượt truy cập của các sàn TMĐT tại Việt Nam để đưa ra các tiêu chí xác định “nền tảng số lớn” như dự thảo.
Cụ thể, khảo sát của Bộ Công thương năm 2022, xếp theo tổng giá trị hàng hóa được giao dịch trên sàn (GMV) thì tốp 5 sàn giao dịch TMĐT có GMV lớn nhất Shopee, Lazada, Tiktok, Tiki và Grab.
Tổng GMV của năm sàn trên 167.500 tỉ đồng; trung bình GMV của năm sàn trên 33.500 tỉ đồng; giá trị GMV của sàn thấp nhất là 12.800 tỉ đồng.
Tốp 10 sàn giao dịch TMĐT có GMV lớn nhất: Shopee, Lazada, Tiktok, Tiki, Grab, Shopeefood, Traveloka, Sendo, Baemin, Vinshop…
Tổng GVM của 10 sàn trên 201.300 tỉ đồng; trung bình GMV của 10 sàn trên 20.130 tỉ đồng; giá trị GMV của sàn thấp nhất là 3.955 tỉ đồng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-bo-nganh-gop-y-ve-nguoi-noi-tieng-nguoi-co-anh-huong-post760937.html