Nhiều bộ, ngành 'ngó lơ' công khai ngân sách

Giới chuyên gia cho rằng với kết quả khảo sát MOBI 2018 có tới 20/37 bộ, cơ quan trung ương chưa công khai ngân sách, Chính phủ cần đánh giá, kiểm tra về tính thực thi công khai ngân sách, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 30-7, Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) đã công bố kết quả khảo sát công khai ngân sách của bộ, cơ quan trung ương năm 2018 (MOBI 2018). Kết quả được công bố cho thấy nhiều bộ, ngành chưa làm đúng việc công khai ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 cũng như các thông tư hướng dẫn khác của Bộ Tài chính.

Không quan tâm?

Theo BTAP, việc khảo sát dựa trên bằng chứng về công khai các tài liệu ngân sách của 37 bộ, cơ quan trung ương. Đây là các đơn vị dự toán cấp 1 ở trung ương (dự toán và quyết toán ngân sách do Quốc hội phê chuẩn). Nguồn minh chứng là các loại tài liệu ngân sách công khai trên cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan trung ương.

Việc đánh giá mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật NSNN năm 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC, bao gồm: Dự toán thu - chi ngân sách đơn vị năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý I/2018; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 6 tháng đầu năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 9 tháng đầu năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 và quyết toán thu chi NSNN năm 2017.

Việc công khai, minh bạch tài chính sẽ góp phần giúp các dự án hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông Vận tải sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước Ảnh: TẤN THẠNH

Việc công khai, minh bạch tài chính sẽ góp phần giúp các dự án hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông Vận tải sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước Ảnh: TẤN THẠNH

PGS-TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm khảo sát, cho biết phạm vi khảo sát tiến hành ở 37 bộ, ngành, cơ quan trung ương, trong đó có 31 bộ, cơ quan ngang bộ (không bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 6 cơ quan trung ương được NSNN hỗ trợ. Qua 3 vòng khảo sát và gửi tham vấn trực tiếp thông tin từ 37 bộ, cơ quan trung ương, kết quả xếp hạng MOBI 2018 ghi nhận chỉ có 17 bộ, cơ quan có mục công khai ngân sách trên cổng thông tin. Trong đó, chỉ 12 bộ, cơ quan có thông tin công khai ngân sách; 5 bộ, cơ quan công khai mang tính hình thức. Đặc biệt, có tới 20 bộ, cơ quan không công khai bất kỳ thông tin nào về việc chi tiêu ngân sách trong năm.

Theo ông Cường, trong thang điểm 100, cơ quan có mức độ công khai, minh bạch ngân sách cao nhất là Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cũng chỉ đạt 21,91 điểm. Trong khi đó, Bộ Tài chính tuy xếp đầu cơ quan bộ nhưng đứng ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với số điểm 18,52/100. Đáng chú ý, một số bộ sử dụng ngân sách lớn như Giao thông Vận tải (GTVT), Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo... đều không quan tâm đến quy định công khai ngân sách. Trong đó, Bộ GTVT được phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2019 hơn 58.500 tỉ đồng nhưng điểm số về công khai chỉ đạt 3,7/100, nằm trong nhóm 5 bộ ở vị trí cuối bảng. Trong nhóm này còn có Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đạt 2,78 điểm; các bộ Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp cùng 1,85 điểm.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm

Trước công bố của BTAP, các bộ, cơ quan trung ương chưa đưa ra ý kiến chính thức nào. Tuy nhiên, theo ông Vũ Sỹ Cường, sau khi tổng hợp kết quả khảo sát, cơ quan thực hiện đã gửi kết quả đến 37 cơ quan, đơn vị để nhận phản hồi. "Phần lớn các bộ, ngành đều đồng ý với kết quả, vì chúng tôi có đầy đủ tài liệu, bằng chứng, chứng minh việc họ có công khai, minh bạch ngân sách theo quy định hay không" - PGS-TS Vũ Sỹ Cường thông tin.

Đánh giá về bức tranh thực hiện công khai ngân sách của các bộ qua bảng xếp hạng MOBI 2018 của BTAP, ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, nói "rất đáng buồn" khi các bộ là đơn vị dự toán cấp 1, dẫn đầu trong việc sử dụng NSNN như GTVT, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại không thực hiện việc công khai, minh bạch theo quy định.

"Quy định các cơ quan sử dụng NSNN phải công khai, minh bạch từng được đánh giá là một trong những nội dung tiến bộ nhất của Luật NSNN 2015. Về mặt thể chế, quy định là chúng ta đã rất đầy đủ, "không còn gì bí mật" trong lĩnh vực ngân sách. Người dân có quyền được biết các thông tin về NSNN, có quyền tham gia ý kiến thông qua các tổ chức, đoàn thể. Trong khi đó, các bộ, ngành được Quốc hội giao sử dụng ngân sách mà không công khai là thiếu sót. Nếu thực hiện công khai, minh bạch ngân sách sẽ hạn chế tối đa tiêu cực" - ông Phạm Đình Cường nhận xét.

Bà Bùi Thị An - nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng với kết quả công bố này, các cơ quan, đơn vị phải nhìn lại mình để có những điều chỉnh. Theo bà An, ở Việt Nam đang xảy ra một thực trạng: dự toán ban đầu thì khá thấp nhưng sau đó thì tăng vọt lên vài trăm phần trăm nhưng không công khai cho người dân giám sát. Do đó, Chính phủ cần có những đánh giá, kiểm tra về tính thực thi công khai ngân sách của các đơn vị trực thuộc, từ đó có những chế tài xử lý.

"Tôi cho rằng phải căn cứ theo Luật NSNN và các quy định đã có, bộ, ngành nào không công khai, công khai không đúng hạn hay không đúng quy định thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Cụ thể, nếu các bộ không công khai thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về việc này, phải có chế tài, làm nghiêm để không lờn luật, làm giảm lòng tin của người dân" - bà Bùi Thị An góp ý.

TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế:

Cần giải thích rõ ràng, đề xuất cách cải thiện

Việc Liên minh Minh bạch ngân sách công bố kết quả khảo sát có ý nghĩa lớn trong việc "đánh động" và nhắc nhở các bộ, ngành cần công khai, minh bạch và có trách nhiệm hơn với các khoản chi tiêu của mình.

Với kết quả được công khai, hầu như không bộ, ngành, cơ quan nhà nước nào đạt mức độ công khai minh bạch theo đúng đòi hỏi của xã hội. Việc này cho thấy tình trạng sử dụng ngân sách tùy tiện có thể diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Đây là điều rất đáng lo ngại bởi ta đang sử dụng ngân sách dành cho chi tiêu thường xuyên với tỉ lệ rất cao, chi trả nợ vay rất lớn, đầu tư xã hội hầu như phụ thuộc vay nợ mới, công tác chống lãng phí khó thực hiện có hiệu quả. Trong tình hình này, tôi mong muốn các bộ bị nêu tên chưa công khai, minh bạch tài chính cần lên tiếng giải thích rõ ràng cũng như tự đề xuất phương án cải thiện tình hình.

Theo tôi, cần có chế tài, bắt buộc các cơ quan, bộ, ngành công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách. Nếu cơ quan nào không đạt tiêu chuẩn về tiết kiệm và chi tiêu hợp lý nguồn ngân sách thì có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu. Cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng đối với việc sử dụng ngân sách còn hời hợt, hình thức, do đó cũng phải siết lại, xóa bỏ triệt để việc giám sát chiếu lệ, "cho có".

Ngoài ra, để tránh tình trạng bị các cơ quan qua mặt, dùng nhiều cách để sử dụng sai ngân sách, cần công bố tiêu chí rõ ràng, đầy đủ, xử phạt nghiêm khắc để răn đe.

Th.Dương ghi

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-bo-nganh-ngo-lo-cong-khai-ngan-sach-20190730230200712.htm