Nhiều bức xúc tại 9 block chung cư giữa nội đô TP Cần Thơ
Gần 20 năm chưa sửa chữa, trần nhà hở sắt và hoen rỉ, gạch men lót nền bong tróc, chân nền chung cư xuất hiện những vết nứt kéo dài, nhiều loại tiền thu kiểu bất hợp lý và đặc biệt chủ đầu tư cũng không xuất hiện để giải quyết những thắc mắc của dân…là những bức xúc nhiều năm qua của gần 450 hộ dân sống tại Khu chung cư 91B, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Đến Khu chung cư 91B vào những ngày mưa dữ dội tháng 7, không gian nồng nặc hôi thối hòa quyện giữa mùi ẩm mốc rêu xanh phủ kín đường lẫn chân nền chung cư và hố rác xung quanh.
Khu chung cư 91B được đưa vào sử dụng từ năm 2005, với khoảng 450 căn hộ. Qua hơn 19 năm khai thác, không được bảo trì thường xuyên hay nói đúng hơn là số lần bảo trì đếm trên đầu ngón tay nên đã xuống cấp trầm trọng. Và câu chuyện này được các cơ quan truyền thông phản ánh rất nhiều lần, nhưng mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Đang để thau nhựa lên cửa sổ gian bếp hứng nước mưa tạt từ ngoài vào, ông Q.K.A. (sinh năm 1952) cho biết, nhà ông có 4 người, sống trong căn hộ rộng khoảng 55m2 từ những năm đầu, thời gian khiến tường nhà ông đầy ẩm mốc và từ lúc ở đến giờ chưa được tu sửa dù chỉ một lần.
Hoàn cảnh tương tự ông A., vừa chỉ tay xuống nền nhà gạch đủ màu tự sửa do gạch cũ đã bể và bong tróc nguy hiểm - ông H.V.S nói: "Khu này xuống cấp rất trầm trọng rồi, tôi đề nghị chính quyền xem xét sửa chữa cho người dân ở 9 block chung cư này".
Trao đổi cùng báo chí vào quý III năm 2023, Sở Xây dựng TP. Cần Thơ thông tin, khu chung cư này chưa được bảo trì sửa chữa lớn nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật công trình như điện, cấp thoát nước, PCCC thường xuyên hư hỏng, phải sửa chữa tạm, chắp vá do không có kinh phí.
Hiện để sửa chữa chung cư 91B đáp ứng được yêu cầu thì cần số tiền rất lớn, ước tính lên tới vài chục tỷ đồng, nên ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ đã đề xuất lãnh đạo UBND thành phố chỉ thực hiện quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy ở khu chung cư 91B, không thực hiện cải tạo, sửa chữa lớn và tính tới phương án bán đấu giá khu đất. Ngoài ra, khi xây dựng đề án phát triển nhà ở xã hội thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở sẽ chọn một số khu vực làm các dự án nhà ở chung cư và nhà ở xã hội mới bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Ông Toàn cho biết thêm, khu chung cư 91B hiện nằm tiếp giáp với đường Trần Hoàng Na, có vị trí cực tốt. Đặc biệt, khu đất này có diện tích lớn (hơn 2,6 ha) nên nếu thành phố có phương án, định hướng tốt như thương mại kết hợp dịch vụ thì sẽ thu hút được nhà đầu tư. Khi đó, giá trị mà khu đất mang lại sẽ gấp nhiều lần so với phương án bỏ tiền ra để cải tạo, sửa chữa lại chung cư 91B, giúp bù được chi phí phát triển các dự án nhà ở xã hội mới.
Đề án đưa ra vẫn còn nằm trên giấy với những giấc mơ đổi đời hạng sang cho người dân. Nhưng thực tế, 1 năm sau lời phát ngôn đó, Khu chung cư 91B vẫn chưa hề được chính quyền đá động tu sửa, người dân tự sửa và vẫn sống cùng nỗi lo lắng chập điện, rò rỉ nước.
Song song cùng nhà ở xuống cấp thì giá nhà lại tăng lên theo lương cơ bản. Nghịch lý một điều, lương cơ bản tăng từ tháng 7/2024, Sở Xây dựng TP. Cần Thơ lại thu tiền theo giá mới từ tháng 02/2024. Lý giải về điều này, quản lý các tòa nhà chung cư cho biết việc tăng giá đã được UBND TP. Cần Thơ chấp thuận theo đề nghị từ Sở Xây dựng đưa lên vào tháng 01/2024. Cụ thể, giá nhà tăng theo diện tích căn hộ, trung bình từ 100.000 đến khoảng 250.000 đồng/hộ trước 5 tháng nhận lương cơ bản tăng.
Lương tăng – giá nhà tăng không sót kỳ nào, nhưng sửa chữa thì lại không có kỳ nào, bà H., sống tại Tòa A2 cùng đại đa số người dân sống tại đây có chung câu hỏi: “% số tiền dùng bảo trì, sửa chữa gần 20 năm qua, Sở Xây dựng TP. Cần Thơ đã dùng vào mục đích gì?; Tại sao không có cuộc họp thông báo cho người dân từ cấp chính quyền trước sự thay đổi về chính sách cũng như giá tiền tăng?”:
"Lương cơ bản tháng 7 lên mà tiền nhà Sở Xây dựng lên tháng 2, nó không có phù hợp, lên trước tận mấy tháng. Lên tiền nhà phải chi sửa chữa, nâng cấp cho dân thì không nói, đây không phải. Hỏi ra thì nói trình UBND rồi, đương nhiên chính quyền thì có quyền rồi đó, đưa ý kiến qua thì UBND gật đầu nhưng người đóng là người dân. Cơm áo gạo tiền của dân không mà làm quá bức xúc, không có được tiếng nói hay họp hội gì hết.
Nếu người đã làm quản lý chung cư thì anh vừa có quyền, vừa phải có trách nhiệm, nhưng đây nói ra thì ai sống thì sống, chết thì mặc bây, cứ tự bươn chải với nhau. Ở thành phố mà nước riết lên 20 ngàn/m3, vùng sâu vùng xa thì không nói gì mà đây ngay trung tâm. Hổm rồi có nói Sở Xây dựng, sở nói tháng nào cũng thất thoát, vậy sao không tìm ra nguyên nhân để khắc phục? Đằng này cứ nói thất thoát, thất thoát hoài rồi bắt dân chịu", bà H nêu ý kiến.
Người dân cứ bức xúc – chính quyền cứ ậm ờ, nhiều người còn cho rằng đang ở “khu chung cư ma” vì chưa hề có cuộc họp nào với người chịu trách nhiệm chính vấn đề này. Họ cứ sống và cứ đóng tiền khi nhận được tờ thông báo hay quyết định do quản lý tòa nhà, mà theo một nhân viên hành chính tại Sở Xây dựng TP. Cần Thơ - gọi cho phóng viên VOV từ số máy 02923815399 - cho hay đó là những Cộng tác viên???
Vậy sửa chữa nhà để người đang thuê ở yên tâm sống hay là chờ UBND TP. Cần Thơ phê duyệt phương án bán đấu giá khu đất vàng này đổi đời cho người dân (mà chưa biết bao giờ có chủ thầu) hợp lý hơn? Một câu hỏi lớn đang đặt ra.
Một số hình ảnh ở khu dân cư "nhiều không" nhất Cần Thơ: