Nhiều bức xúc về ô nhiễm môi trường từ nhà máy xử lý chất thải ở Đồng Nai
Tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ quá trình xử lý chất thải kéo dài đã và đang gây bức xúc trong nhân dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Hòa, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Tân những ngày qua như ngồi trên đống lửa vì hơn 8 sào trồng bầu, bí lấy quả để bán xem như mất trắng do bị cháy lá, trái rụng, thân héo và chết dần. Vốn liếng hơn 100 triệu đồng đầu tư vào việc trồng bầu, bí của gia đình ông Hòa giờ chỉ thu hoạch được khoảng 10-15% so với các vụ trước đây.
Theo ông Hòa, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhà máy xử lý chất thải của Công ty CP Môi trường Thiên Thanh (Công ty Thiên Thanh) nằm cạnh khu ruộng hộ của ông canh tác liên tục xả khí thải, gây ô nhiễm không khí mỗi buổi tối. Khí này phát tán trong không khí hội tụ với sương vào ban đêm rồi phủ xuống mặt lá, ngọn khiến cây trồng bị bỏng, khô và chết dần. Những luống cây trồng dù đã đậu quả thì quả cũng còi cọc và rơi rụng đến 80% sau 5-7 ngày.
Trước tình trạng trên, ông Hòa đã báo cho chính quyền xã cũng như phía Công ty Thiên Thanh đến kiểm tra để có biện pháp khắc phục cũng như có sự hỗ trợ thiệt hại cây trồng cho gia đình ông. Công ty Thiên Thanh cũng đã cử nhân viên đến ruộng của hộ ông Hòa để ghi nhận hiện trạng nhưng đến nay vẫn chưa có sự hỗ trợ nào đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại này.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực nhà máy xử lý chất thải của Công ty Thiên Thanh cũng rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường sống kéo dài nhiều năm nay chưa được xử lý triệt để. Người dân cho rằng, Công ty Thiên Thanh chuyên xử lý về môi trường nhưng lại gây ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm chưa được xử lý là không chấp nhận được.
Theo người dân địa phương, khoảng hơn 2 năm trở lại đây, Công ty Thiên Thanh còn cho người nước ngoài thuê nhà xưởng để hoạt động sản xuất tái chế rác thải nguy hại làm cho không khí quanh khu vực này luôn trong tình trạng ngột ngạt, khó thở, ảnh hưởng sức khỏe người dân, nhất là bệnh hô hấp ở người già và trẻ em. Đáng nói công ty này cũng đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng vì vi phạm về môi trường.
Liên quan vấn đề môi trường tại Công ty Thiên Thanh, ông Trần Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho hay, mỗi khi có phản ánh của người dân, UBND xã đều đến ghi nhận hiện trạng. Cụ thể mới đây, ngày 10 và 12/8 sau khi có phản ánh của người dân về việc Công ty Thiên Thanh xả khói và nước thải gây ô nhiễm môi trường, UBND xã đã tổ chức đoàn kiểm tra xuống hiện trường khu vực sát tường bao của Công ty Thiên Thanh ghi nhận.
Qua đó phát hiện, xung quanh Công ty Thiên Thanh có không khí mùi hôi nồng và có hiện tượng xả thải ra môi trường qua 2 cống thoát nước bên cạnh nhà máy xử lý chất thải nguy hại khi nước có mùi hôi nồng và có váng dầu trên mặt nước.
Đoàn kiểm tra của xã đề nghị được vào phía trong công ty để kiểm tra cống thoát nước và ống khí thải, nhưng người của Công ty Thiên Thanh không cho đoàn vào bên trong vì cho rằng lực lượng chức năng của UBND xã không đủ thẩm quyền, chức năng kiểm tra hoạt động của công ty.
Sau đó, UBND xã đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu cử cán bộ xuống hiện trường công ty lấy mẫu khí, nước để kiểm nghiệm và cho kết quả các chỉ số đều vượt ngưỡng quy định cho phép. Hiện UBND xã Vĩnh Tân đang phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai để có các biện pháp kiểm tra, xử lý liên quan đến về môi trường đối với Công ty Thiên Thanh.
Khu vực xử lý chất thải tập trung của tỉnh Đồng Nai tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu được quy hoạch rộng gần 100 ha. Hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động xử lý chất thải tại đây. Ngoài công ty CP Môi trường Thiên Thanh còn có 2 doanh nghiệp xử lý chất thải khác là Công ty CP Môi trường Sonadezi và Công ty TNHH Một thành viên Thanh Tùng 2.
Cần sớm xử lý vụ tuồn gần 1 tấn thuốc tây thuộc diện tiêu hủy ra thị trường
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành thụ lý, điều tra vụ 860 kg thuốc tây thuộc diện tiêu hủy nhưng lại bị đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Vụ việc được điều tra theo tố giác của công dân. Được biết, 860 kg thuốc tây của Công ty Boston Việt Nam, chủ yếu là thuốc CETIRIZIN BOSTON còn hạn sử dụng nhưng kém chất lượng nên phải tiêu hủy; số còn lại là thuốc tồn dư, đã hết hạn sử dụng phải đưa đi tiêu hủy. Số thuốc này được Công ty Boston chuyển đến Công ty Thiên Thanh để xử lý theo dạng tiêu hủy chất thải nguy hại, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, một số lượng lớn thuốc sau đó bị tuồn ra thị trường. Vụ việc được phát giác từ năm 2021, gây lo ngại về hiện tượng có thể vì lợi nhuận đã tái sử dụng thuốc thuộc diện tiêu hủy, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do đó cần sớm làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.