Nhiều bước đi quyết liệt bảo vệ thị trường thép Việt Nam

Trước xu hướng hội nhập đa phương và xu thế bảo hộ nền sản xuất của các quốc gia hiện nay, ngành thép, nhôm Việt Nam đã liên tiếp đối mặt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài, nhất là thị trường Mỹ. Đây là áp lực, thách thức lớn đối với doanh nghiệp (DN) Việt nhưng cũng là cơ hội để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường toàn cầu.

Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 8 tháng đầu năm 2024, sản xuất và bán hàng thép thành phẩm đạt khoảng 19 triệu tấn (tăng 9%), XK thép thành phẩm ước đạt 8,6 triệu tấn. Sản phẩm thép được XK đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới như: Khu vực ASEAN (26%), EU (25%), Hoa Kỳ (15%), Đài Loan (4%)... còn lại là các quốc gia khác. Trong 2 thập kỷ qua song hành với sự tăng trưởng, ngành thép cũng đối diện với thách thức không nhỏ từ các vụ việc PVTM.

Tính đến tháng 8/2024, ngành thép đối mặt 78 vụ việc điều tra PVTM, chiếm 30% số vụ việc PVTM liên quan tới các sản phẩm XK của Việt Nam. Điều đó cho thấy các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp PVTM để bảo vệ thị trường sở tại. Hiện, Hoa Kỳ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp PVTM đối với thép của Việt Nam nhất.

Cùng với đó, ngành nhôm cũng đã liên tiếp đối mặt với các cuộc điều tra PVTM của nước ngoài, nhất là thị trường Mỹ. Lý giải nguyên nhân việc liên tiếp có các cuộc điều tra trong 2 năm qua, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho rằng, sự gia tăng sản lượng XK từ Việt Nam khiến cho ngành sản xuất nhôm Việt phải đối mặt với ngày càng nhiều các vụ điều tra PVTM, gây tốn kém công sức, tiền của của DN và nhà nước. Trong đó, một phần do hệ lụy của chiến tranh thương mại của Mỹ và các nước phương Tây với Trung Quốc.

Doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Đinh Quốc Thái đánh giá, sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra PVTM, Hiệp hội Thép Việt Nam và các DN thép đã từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại DN, nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận. Như năm 2019, KADI (Indonesia) thông báo dừng quyết định áp thuế CBPG đối với mặt hàng tôn lạnh sau 2 năm điều tra; năm 2020, Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép chính xác. Gần đây nhất là năm 2023, Mexico kết luận Việt Nam không tồn tại thị trường đặc biệt và mức thuế áp cho DN Việt Nam (6,4-10,84%) thấp hơn so với Trung Quốc (24-77%).

Song, các chuyên gia cho rằng, hiện không có thống kê đầy đủ nào về những thiệt hại mà DN Việt Nam phải chịu do những vụ kiện gây ra. Nhưng có thể nhận thấy một cách rõ ràng đối với các DN XK thép tại Việt Nam thì việc gia tăng các vụ kiện có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng tài chính của toàn bộ ngành Thép. Việc khối lượng XK của mặt hàng này có thể sụt giảm là điều không tránh khỏi; chưa kể các chi phí nhân lực, vật lực để theo đuổi các vụ việc trong suốt nhiều năm.

Trước áp lực này, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) đề xuất nhà nước có thể thiết kế một khuôn khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ PVTM một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với WTO để làm sao các DN sản xuất nội địa có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.

Để ứng phó với các vụ việc PVTM, ông Thái khuyến nghị: "Điều mấu chốt là các DN cần phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu, đồng đa dạng hóa sản phẩm, thị trường XK để phân tán rủi ro, tránh tập trung XK với khối lượng lớn vào một thị trường".

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cũng cho rằng, DN cần có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể. Tại thị trường Mỹ, DN của Việt Nam cần hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Mỹ (điều tra trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (điều tra về thiệt hại).

Trước các nguy cơ đối diện nhiều hơn các vụ điều tra PVTM từ thị trường nước ngoài, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương cho biết, Cục tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN XK trong các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, đồng thời, tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa giúp các DN chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/nhieu-buoc-di-quyet-liet-bao-ve-thi-truong-thep-viet-nam-i746487/