Nhiều ca bệnh tim mạch đặc biệt khó được hồi sinh sự sống

500 ca can thiệp tim mạch đã được thực hiện tại Đơn nguyên tim mạch, Bệnh viện Bưu điện với tỉ lệ thành công là 99,5%. Trong đó, có gần 30% là ca can thiệp khó và đặc biệt khó, có bất thường động mạch vành nhưng tất cả đều được can thiệp thành công.

Chia sẻ bên lề Hội thảo khoa học kỷ niệm 500 ca can thiệp tim mạch đầu tiên tại Bệnh viện Bưu điện, TTƯT.BSCKII Trần Hùng Mạnh – Giám đốc Bệnh viện Bưu điện cho biết, 500 ca can thiệp tim mạch đã được thực hiện tại Đơn nguyên tim mạch, Bệnh viện Bưu điện với tỉ lệ thành công là 99,5%. Trong đó, có gần 30% là ca can thiệp khó và đặc biệt khó, có bất thường động mạch vành nhưng tất cả đều được can thiệp thành công.

"Tỉ lệ những người 30-40 tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều. Các ca tim mạch ở người trẻ diễn biến rất nặng, cần những can thiệp rất nhanh để có thể cứu sống được người bệnh" - Giám đốc Bệnh viện Bưu điện chia sẻ.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch và con số này ngày một tăng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.

Tại Phòng khám Tim mạch, Bệnh viện Bưu điện tiếp nhận khoảng gần 100 người bệnh đến thăm khám các bệnh lý về tim mạch mỗi ngày. Nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng suy tim nặng, bị tổn thương mạch vành nghiêm trọng cần phải cấp cứu và can thiệp kịp thời để cứu sống người bệnh.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Trưởng Đơn nguyên Tim mạch, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện cho hay, những năm qua với sự hỗ trợ chuyên môn của Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), Đơn nguyên Tim mạch đã tiến hành được rất nhiều kỹ thuật can thiệp trong bệnh lý mạch vành giúp cứu sống nhiều bệnh nhân bao gồm: Kỹ thuật can thiệp mạch vành khó, các can thiệp tái thông mạch vành sớm trong hội chứng vành cấp, can thiệp các tổn thương mạch vành mạn tính, cũng như kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, máy phá rung tự động, CRT…

Các bác sĩ tiến hành can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân.

Hiện nay, Đơn nguyên cũng triển khai hai kỹ thuật cao, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đó là kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn và kỹ thuật Chụp và can thiệp động mạch vành qua da – đây là phương pháp tiên tiến, ít xâm lấn và giúp giảm nhiều biến chứng.

Đặc biệt, tại bệnh viện luôn có một ê-kip cấp cứu có thể thực hiện can thiệp tim mạch cấp cứu 24/7 cho các trường hợp nhồi máu cơ tim tối cấp, nhồi máu cơ tim cấp trong vòng nửa giờ đồng hồ kể từ lúc người bệnh vào phòng cấp cứu. Không ít người bệnh đã được các bác sĩ cấp cứu và can thiệp kịp thời, thoát khỏi cơn nguy kịch, hồi phục chức năng tim tốt.

Từng là chuyên gia giáo dục tại Angola và là một doanh nhân làm việc ở nước ngoài nhiều năm, bà Đào Lan Hương có điều kiện chữa trị tại các bệnh viện nổi tiếng ở nhiều nước, thế nhưng cuối cùng bà đã trở về Việt Nam để điều trị bệnh tim mạch của mình. Năm 2018, bà Đào Lan Hương đến Bệnh viện Bưu điện thăm khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng vành cấp và phải đặt stent động mạch vành. Đến nay, 5 năm sau can thiệp, sức khỏe của bà Hương vẫn ổn định, giúp bà sinh hoạt và có cuộc sống bình thường.

Trường hợp khác, với chẩn đoán tổn thương phức tạp cả ba nhánh động mạch vành, ngực đau dữ dội, huyết áp cao… ông Trần Ngọc Dẫn (ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) được các bác sĩBệnh viện Bưu điện tiến hành can thiệp đặt stent nhánh mạnh vành bị tổn thương nghiêm trọng nhất. Chỉ sau thời gian ngắn, sức khỏe của ông đã dần hồi phục và ổn định.

Ông Dẫn chia sẻ, thời gian trước mỗi lần leo lên cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2, ông đều bị cảm giác mệt mỏi, thở dốc nhưng giờ đây ông đi lên đi xuống cảm thấy bình thường. Những cơn đau tức ngực kéo dài nhiều tháng giờ cũng không còn xuất hiện nữa. Ông lại trở về các công việc thường nhật của mình, hàng ngày vẫn nhận sửa chữa máy lọc nước tại nhà, hoặc nếu có ai cần, ông sẽ đến tận nhà để sửa cho họ.

Vì bị tắc 3 nhánh mạnh vành nên theo lịch hẹn của bác sĩ, ông sẽ tiếp tục đến Bệnh viện Bưu điện để thực hiện đặt stent hai nhánh còn lại. Qua lần đầu thực hiện can thiệp thành công ở bệnh viện, gia đình ông cảm thấy tin tưởng, yên tâm chờ đợi lần can thiệp tiếp theo đối với hai nhánh mạch vành còn lại.

Với ca phẫu thuật thành công của ông Trần Ngọc Dẫn đã đánh dấu cột mốc ca bệnh thứ 500 mà Đơn nguyên Tim mạch, Bệnh viện Bưu điện đã tiến hành thực hiện trong gần hai năm qua. PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam - đơn vị hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Bưu điện cho hay, bên cạnh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân tim mạch, Viện luôn chú trọng việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cho các tuyến, các bệnh viện trong nước, thậm chí chia sẻ cho đồng nghiệp quốc tế. Qua việc đào tạo, nhiều đơn vị đã chủ động và phát triển tốt các kỹ thuật can thiệp tim mạch khó, nhất là can thiệp thì đầu cho nhồi máu cơ tim cấp, chạy đua thời gian để cứu sống người bệnh.

Bệnh Đái Tháo Đường Có Thể Chữa Khỏi Hoàn Toàn Không? I SKĐS

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-ca-benh-tim-mach-dac-biet-kho-duoc-hoi-sinh-su-song-169230423125210857.htm