Nhiều ca tai nạn giao thông nguy kịch do uống rượu, bia

Sáng 2/5 – ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân nằm la liệt. Nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) được đưa vào viện trong tình trạng đa chấn thương rất nặng và nguy kịch, trong đó có nhiều người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ca cấp cứu do TNGT trong sáng 2/5 thì có nhiều người còn rất trẻ, sử dụng rượu bia và bị tai nạn khá thương tâm. Nằm trên giường bệnh là nam thanh niên 29 tuổi (Hưng Yên) bị đa chấn thương rất nặng, kích thích vật vã, đang được các bác sĩ cấp cứu hồi sức.

Người nhà bệnh nhân kể lại, tối 1/5, nam thanh niên đi liên hoan và uống rượu. Khoảng 10h30 anh này đi xe máy đến cầu Hưng Hà (Hưng Yên) và không làm chủ được tốc độ, tự ngã văng vào cầu bất tỉnh, được người đi đường đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cấp cứu. Do chấn thương quá nặng, bệnh nhân được chuyển ngay lên Bệnh viện Việt Đức vào 2h sáng 2/5.

Một nam bệnh nhân bị TNGT có sử dụng nồng độ cồn, đa chấn thương rất nặng được chuyển lên Khoa Phẫu thuật Thần kinh.

Một nam bệnh nhân bị TNGT có sử dụng nồng độ cồn, đa chấn thương rất nặng được chuyển lên Khoa Phẫu thuật Thần kinh.

Đánh giá về bệnh nhân này, TS.BS Quách Văn Kiên, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Trưởng kíp trực sáng 2/5 cho biết, bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chảy máu não, chấn thương ngực kín, gãy nhiều xương sườn bên phải và phải dẫn lưu màng phổi, gãy 2 xương cẳng chân phải. Sau khi dẫn lưu màng phổi, bó bột cẳng chân phải, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Phẫu thuật Thần kinh để điều trị tiếp.

BS Kiên cũng cho biết, đây là ca bệnh điển hình ở độ tuổi còn trẻ, uống rượu bia tham gia giao thông và tự ngã, dẫn đến chấn thương nặng. Trước đó, từ ngày 28/4 đến 1/5, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 150 trường hợp vào cấp cứu, trong đó 50% số ca là TNGT.

“Nhiều bệnh nhân nói có uống rượu bia, sau đó vẫn điều khiển phương tiện giao thông và xảy ra tai nạn. Sáng nay tôi đi buồng, có bệnh nhân còn rất trẻ, bị TNGT gây chấn thương cột sống, đã liệt tủy hoàn toàn, 2 chi dưới không còn cảm giác vận động nữa”, BS Kiên nói.

Cũng theo BS Kiên, trong 3 ngày đầu nghỉ lễ, Bệnh viện Việt Đức ghi nhận 1 ca tử vong do TNGT và 5 ca nặng gia đình xin về (trung bình 2 ca tử vong/ngày). “Chúng tôi khuyến cáo người dân đi chơi nên hạn chế uống rượu bia, nếu đã uống thì dừng không điều khiển phương tiện”, BS Kiên nhấn mạnh.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức sáng 2/5 tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do tai nạn giao thông.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức sáng 2/5 tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do tai nạn giao thông.

Chứng kiến cảnh cấp cứu bệnh nhân ở bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối trong một buổi sáng của ngày nghỉ lễ, chúng tôi mới thấy, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng và nhân viên y tế ứng trực quá vất vả. “Sáng sớm chúng tôi giải quyết hơn 20 bệnh nhân của ca trực hôm trước, trong đó 70% là TNGT, sàng lọc cho lên các khoa. Có vài trường hợp ở các tỉnh, người dân khi bị tai nạn trực tiếp ra đây, chúng tôi khám sàng lọc sọ não, ổ bụng, tứ chi và không thấy tổn thương, kíp trực gửi về bệnh viện tuyến tỉnh để theo dõi, tránh tình trạng quá tải bệnh viện”, BS Kiên cho biết.

Ngoài TNGT, trong 4 ngày nghỉ lễ, còn có các tai nạn sinh hoạt vào cấp cứu. Có bệnh nhân dậy đi làm từ 3h sáng ngã gãy chân; có bệnh nhân uống rượu say, 3h sáng tỉnh dậy ngã từ lan can xuống; hoặc bệnh nhân bị tai nạn do đánh nhau... Trong 5 ngày nghỉ lễ, Bệnh viện Việt Đức đã bố trí 1 kíp trực gồm 20 bác sĩ trực chuyên khoa và 15 bác sĩ nội trú tham gia trực cùng với tua trực cấp cứu, 16 điều dưỡng.

BS Kiên đánh giá, kể từ khi Bộ Công an xử lý mạnh tình trạng uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, dịp nghỉ lễ năm nay, xu hướng bệnh nhân uống rượu bia tham gia giao thông bị TNGT ít hơn so với năm ngoái. Số lượng bệnh nhân bị TNGT vào nhập viện có nồng độ cồn giảm hơn so với trước đây, do ý thức người dân được nâng cao hơn. Trong những ngày nghỉ lễ, có bệnh nhân bị TNGT nhưng không có người thân, do người đi đường đưa vào cấp cứu, trước mắt Bệnh viện cấp cứu để bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch, sau đó Phòng Công tác xã hội báo với người thân, hoặc sẽ sử dụng các dữ liệu của bệnh nhân đang có. Trong trường hợp không thể liên hệ được với người nhà, bệnh nhân vẫn nguy kịch, bệnh viện vẫn phải tiếp tục cứu chữa cho người bệnh.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/nhieu-ca-tai-nan-giao-thong-nguy-kich-do-uong-ruou-bia-i692154/