Nhiều cách làm hay khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Trước tình trạng thiếu giáo viên trong năm học 2023 - 2024, nhiều địa phương, nhà trường đã có cách làm sáng tạo khắc phục những khó khăn trước mắt.
“Ngân hàng giáo viên”
Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, quy mô giáo dục tiểu học của thành phố có 826 trường với hơn 816 nghìn học sinh, gần 40 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Sĩ số học sinh trung bình/lớp gần 39 em.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ năm học, nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố vẫn đứng trước khó khăn thiếu giáo viên, nhất là với các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018, cụ thể như môn tiếng Anh, Tin học - Công nghệ từng là môn học tự chọn, giờ chuyển thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3.
Cùng với đề nghị cơ quan chức năng sớm tổ chức tuyển dụng giáo viên bổ sung, các phòng GD&ĐT, các nhà trường đều khẳng định đã chủ động giải pháp khắc phục vấn đề thiếu giáo viên để bảo đảm tổ chức dạy học theo yêu cầu Chương trình GDPT mới trong năm học 2023 - 2024.
Theo thông tin từ phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, quận có 17 trường tiểu học với hơn 20 nghìn học sinh. Phòng đã xây dựng, triển khai “Ngân hàng giáo viên” gồm những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm của các nhà trường; đồng thời, thành lập tổ công tác sẵn sàng hỗ trợ các trường học trên địa bàn để tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục.
Trong bối cảnh nhiều trường thiếu giáo viên, Phòng đã sử dụng đội ngũ giáo viên dùng chung cho các trường cùng cấp học trên địa bàn. Theo đó, giáo viên tiếng Anh của một trường có thể dạy cho 2, 3 trường. Phòng GD&ĐT chủ trì, chịu trách nhiệm gắn kết, sắp xếp thời khóa biểu và chi trả lương cho giáo viên bảo đảm hợp lý.
Mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở các trường, tạo sự đoàn kết, tăng cường ý thức trách nhiệm của giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Huyện Chương Mỹ cũng thiếu giáo viên tiểu học vì vậy đây là nỗi lo của nhiều nhà trường. Cô Lê Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tốt Động cho biết: Vừa qua, nhà trường được huyện phê duyệt 5 biên chế giáo viên để đảm bảo công tác dạy học. Tuy nhiên, có 2 giáo viên dù đã đỗ biên chế nhưng lại bỏ. Nhà trường phải bổ sung bằng cách tuyển giáo viên hợp đồng trong khi chờ đợi.
Cô Nguyễn Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Văn cũng cho hay, so với quy định, trường còn thiếu 6 giáo viên. Để đáp ứng nhu cầu năm học mới, trường chủ động ký hợp đồng 4 giáo viên văn hóa, 1 giáo viên tiếng Anh. Vị trí còn thiếu của bộ môn giáo dục thể chất, trường tạm điều giáo viên văn hóa đảm trách.
Giảm tải cho giáo viên mầm non
Được triển khai từ tháng 8/2022, mô hình “Huy động tình nguyện viên” tại huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) đã phần nào làm vơi bớt khó khăn, vất vả cho các cô giáo tại những lớp thiếu giáo viên.
Cô Lê Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mồ Dề cho biết, trường có 5 điểm lẻ và 1 điểm trường chính. Theo biên chế, nhà trường có 34 giáo viên đứng lớp, tuy nhiên hiện nay chỉ có 27 giáo viên, mới đây 3 cô đi tăng cường cho trường khác, vì vậy nhà trường còn thiếu 10 giáo viên.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải đã triển khai mô hình “Huy động tình nguyện viên”, nguồn lực xã hội trợ giúp ngành giáo dục. Theo đó, tại những lớp thiếu giáo viên, hằng ngày phụ huynh luân phiên phụ giúp cô giáo chăm sóc trẻ.
Khi mới thực hiện mô hình, nhiều phụ huynh còn đắn đo nhưng chỉ sau khi tham gia 1-2 lần lại ủng hộ, có khi chưa đến lượt đã đăng ký giúp nhà trường, bởi đến lớp đồng nghĩa phụ huynh biết được con em học tập, sinh hoạt, ăn nghỉ như thế nào. Sự giúp đỡ của phụ huynh đã phần nào giảm áp lực công việc cho nhà trường.
Đại diện phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết, huyện có 333 giáo viên. Căn cứ tỷ lệ giáo viên theo định mức 1,62 giáo viên/nhóm, lớp, thì còn thiếu 110 người. Để tháo gỡ, Phòng đã chỉ đạo các trường mầm non triển khai mô hình “Huy động tình nguyện viên” hỗ trợ giáo dục mầm non. Theo đó, tại các lớp thiếu giáo viên, phụ huynh thay phiên hỗ trợ dọn dẹp lớp học, vệ sinh cá nhân cho trẻ; giúp giáo viên quản lý trẻ trong quá trình tổ chức các hoạt động tập thể; hỗ trợ nấu ăn trưa cho trẻ tại các lớp, nhóm thiếu giáo viên đứng lớp.
Đến nay, đã có 111 phụ huynh hỗ trợ 14 trường mầm non trong toàn huyện. Nhiều tình nguyện viên vừa hỗ trợ giáo viên thực hiện các hoạt động giáo dục, vừa chuẩn bị bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh. Việc tình nguyện viên hỗ trợ các lớp thiếu giáo viên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn về nhân lực cho các trường mầm non.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Yên Bái, toàn tỉnh có hơn 13 nghìn cán bộ, giáo viên mầm non, phổ thông công lập, so với định mức quy định thiếu 2.746 người. Trước thực trạng này, Sở đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương thực hiện một số giải pháp để từng bước khắc phục thiếu giáo viên.
Tỉnh thực hiện biệt phái giáo viên giữa các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ giáo viên môn tiếng Anh cho các đơn vị còn thiếu; xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng giáo viên giảng dạy môn Tin học và Công nghệ, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý để đảm bảo giáo viên dạy những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sở GD&ĐT còn xây dựng các phương án tìm nguồn tuyển dụng, đặt hàng đào tạo; xây dựng chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở vùng cao, khó khăn và đề nghị tiếp tục thực hiện tuyển dụng giáo viên.
Bà Tạ Thị Thu Hương - Phó phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ thông tin, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong năm học 2023 - 2024, huyện đã chủ động tuyển dụng 284 chỉ tiêu hợp đồng. Tuy nhiên so với nhu cầu, ngành Giáo dục Chương Mỹ vẫn thiếu hơn 300 giáo viên ở 3 cấp học. Những bộ môn thiếu giáo viên nhiều nhất là Tin học, Giáo dục thể chất, đặc biệt là Tiếng Anh vì không có nguồn để hợp đồng. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Phòng cho phép các trường trên địa bàn chủ động hỗ trợ nhau, xây dựng “ngân hàng giáo viên”, điều tiết giáo viên từ chỗ thiếu ít sang chỗ thiếu nhiều.