Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo giúp người dân biên giới Na Cô Sa giảm đói nghèo

'Ở địa bàn Đồn Biên phòng Na Cô Sa, BĐBP tỉnh Điện Biên quản lý, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn còn hạn chế, đời sống bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, kinh tế tự cung tự cấp', Thiếu tá Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó, Đồn biên phòng Na Cô Sa - BĐBP tỉnh Điện Biên, chia sẻ.

 Bộ đội biên phòng Na Cô Sa "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn người dân phát triển kinh tế gia đình

Bộ đội biên phòng Na Cô Sa "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn người dân phát triển kinh tế gia đình

"Điểm tựa tin cậy" nơi biên cương

Đồn Biên phòng Na Cô Sa quản lý tuyến biên giới Việt Nam - Lào với 17,369 km đường biên giới, có 5 Mốc quốc giới. Xã Na Cô Sa hiện có 1.213 hộ/6.851 nhân khẩu, trong đó có 7 dân tộc cùng sinh sống trên 11 bản dân cư, gồm: Mông, Thái, Kinh, Mường, Khơ Mú, Tày và Dao (dân tộc Mông chiếm 84,35% số nhân khẩu).

Hoạt động tôn giáo trên địa bàn xã Na Cô Sa diễn ra ở 11/11 bản, với tổng số 1.176 hộ/6.686 khẩu theo 3 tôn giáo là Công giáo, Tin lành (như Đạo Tin lành miền Bắc, truyền giảng phúc âm, truyền giáo phúc âm, Lời sự sống Việt Nam) và Cơ đốc phục lâm.

Hơn nữa, nhiều bản cách xa trung tâm xã, đường sá chủ yếu là đường dân sinh, đường đất nên việc đi lại rất vất vả, nhất là mùa mưa lũ. Địa bàn rừng núi hiểm trở, đi từ trung tâm xã đến một số điểm bản hầu hết là đi bộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự đôi lúc còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng chặt phá rừng trái phép và hoạt động của các loại tội phạm về ma túy…, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, cũng như công tác vận động quần chúng của đơn vị. Đời sống bà con nhiều năm qua chỉ quen canh tác, trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, không theo mùa vụ ổn định…

"Để tháo gỡ bài toán khó này cho người dân biên giới Na Cô Sa, với tinh thần "giúp dân như giúp người thân của mình", thời gian qua, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã có nhiều giải pháp, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước ổn định cuộc sống cho bà con các dân tộc trên địa bàn, "biến" vùng đất khó này trở thành "điểm tựa tin cậy nơi biên cương" - đồng chí Chính trị viên phó, Đồn biên phòng Na Cô Sa, cho biết.

Bộ đội "cầm tay chỉ việc" cho từng hộ để phát triển kinh tế gia đình

Cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Na Cô Sa kiên trì bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân

Cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Na Cô Sa kiên trì bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân

Theo Thiếu tá Đỗ Xuân Điềm, từ thực tế còn nhiều khó khăn của vùng đất này, để giúp bà con vùng biên Na Cô Sa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm phát triển kinh tế gia đình, ngoài sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và Bộ đội biên phòng, bà con cần biết đánh giá điều kiện đất đai, nguồn nước, khí hậu tại địa phương để chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Bà con cũng cần được tiếp cận đầy đủ thông tin để biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng quy trình kỹ thuật như: gieo trồng đúng mùa vụ, tiêm phòng cho gia súc, xử lý bệnh hại cây trồng…

Tuy nhiên, với những hạn chế còn tồn tại của người dân vùng biên giới, Đồn Biên phòng Na Cô Sa thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ mô hình sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo như: các loại cây trồng (sa nhân, quế…) và con giống (lợn đen, dê, cá…), phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác, giúp bà con nâng cao thu nhập.

Hình ảnh những người lính áo xanh biên phòng cặm cụi cùng người dân trồng cây, chăm bón cây trồng, vật nuôi ở nương rẫy hay vườn nhà dân đã trở nên thân quen với bà con biên giới Na Cô Sa. "Đồn chúng tôi phân công 16 đồng chí đảng viên phụ trách 66 hộ gia đình thường xuyên "cầm tay chỉ việc", đến từng hộ gia đình hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc vật nuôi, xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh, giúp hộ dân tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Các cán bộ, chiến sĩ của Đồn cứ kiên trì bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân, vừa vận động bà con xóa bỏ hủ tục, từ bỏ trồng cây thuốc phiện, không di cư tự do, xuất nhập khẩu trái phép, yên tâm sống định canh định cư, phát triển sản xuất bền vững tại gia đình" - Thiếu tá Đỗ Xuân Điềm cho biết thêm.

Các cán bộ, chiến sĩ của Đồn vận động bà con xóa bỏ hủ tục, từ bỏ trồng cây thuốc phiện, không di cư tự do, xuất nhập khẩu trái phép, yên tâm phát triển sản xuất bền vững tại gia đình

Các cán bộ, chiến sĩ của Đồn vận động bà con xóa bỏ hủ tục, từ bỏ trồng cây thuốc phiện, không di cư tự do, xuất nhập khẩu trái phép, yên tâm phát triển sản xuất bền vững tại gia đình

Trong số những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa hỗ trợ phát triển kinh tế là nhà anh Lù A Bình, ở bản Nậm Chẩn, xã Na Cô Sa, bị cháy nhà dịp đầu năm 2024. Anh Lù A Bình xúc động nhớ lại: "Lúc ấy, nhà tôi bị cháy rụi, vợ chồng, con cái đều hoảng loạn, một đứa con của tôi bị bỏng nặng. May sao có bộ đội biên phòng kịp thời hỗ trợ chữa cháy, động viên, trao tặng gạo và kinh phí sửa chữa nhà. Bộ đội còn giúp nhiều ngày công trong suốt quá trình xây dựng lại nhà, hỗ trợ thêm lợn giống để vợ chồng tôi sớm ổn định cuộc sống sau hoạn nạn".

"Gia đình anh Lù A Bình còn được Đồn Biên phòng phối hợp với Hội LHPN huyện Nậm Pồ (Điện Biên) nhận đỡ đầu 1 cháu nhỏ trong mô hình "Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương", với số tiền 1.500.000/quý, giúp gia đình này vượt qua khó khăn trước mắt. Nhờ đó, cháu bé đã có thành tích tốt trong học tập, trong năm học 2024 vừa kết thúc, cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi" - Thiếu tá Đỗ Xuân Điềm vui vẻ tiếp lời chủ nhà Lù A Bình.

Cũng là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con như nhà ông Giàng A Giáo, ở bản Na Cô Sa 1, Đồn biên phòng đã tặng vợ chồng ông Giáo 2 con lợn giống và 10 bao cám lợn. Đây cũng là hộ gia đình mà Đồn Biên phòng thường xuyên hỗ trợ thêm quà và kinh phí học tập cho các con của ông Giáo, giúp các cháu yên tâm đến trường, không bỏ dở chuyện học hành.

Đồn biên phòng Na Cô Sa phối hợp cùng Hội LHPN địa phương trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa, động viên kịp thời các hộ gia đình khó khăn lúc gặp hoạn nạn

Đồn biên phòng Na Cô Sa phối hợp cùng Hội LHPN địa phương trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa, động viên kịp thời các hộ gia đình khó khăn lúc gặp hoạn nạn

Gia đình chị Sùng Thị Sầu, ở bản Pắc A 1, cũng được Đồn biên phòng Na Cô Sa trao tặng lợn giống, ngan giống. Từ hộ gia đình đặc biệt khó khăn, sau mỗi lứa lợn và ngan bán đi, chị Sùng Thị Sầu đã mua sắm thêm trang thiết bị và phân bón cho sản xuất nông nghiệp, nương rẫy tại gia đình. Chị Sầu cũng yên tâm khi được bộ đội biên phòng đến chia sẻ, hỗ trợ về cách chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho lợn nái, lợn con…, giúp chị Sầu ngày càng tự tin phát triển kinh tế gia đình.

Cần nhiều hoạt động, mô hình sinh kế phù hợp ở địa bàn biên giới

Để bà con yên tâm phát triển sản xuất một cách bền vững, hiệu quả, một trong những "bí quyết" của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa, đó là Đồn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và sát với thực tế đời sống của bà con nơi biên giới như: Lựa chọn một số hộ gia đình đặc biệt khó khăn, có mong muốn vươn lên thoát nghèo để giúp đỡ, làm mẫu trong phát triển kinh tế. Từ đó để bà con trong thôn, bản thấy được hiệu quả hiện hữu rồi học theo, tạo sự lan tỏa rộng rãi trên địa bàn.

Đồng chí Chính trị viên phó, Đồn biên phòng Na Cô Sa, cho biết: "Ngoài hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả cho bà con, các cán bộ, chiến sĩ còn nỗ lực tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông sản giúp bà con trên địa bàn. Thậm chí, Đồn còn hỗ trợ tiền vốn không lãi suất để mua con giống, cây trồng có năng suất cao cho bà con. Những việc làm ấy không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần củng cố lòng tin, tình cảm quân - dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh".

Hội LHPN địa phương và Bộ đội biên phòng phối hợp nhiều hoạt động ý nghĩa trong chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và “Nâng bước em tới trường”

Hội LHPN địa phương và Bộ đội biên phòng phối hợp nhiều hoạt động ý nghĩa trong chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và “Nâng bước em tới trường”

Dẫu không ngại khó và luôn nỗ lực hết mình giúp bà con dân tộc trên địa bàn từng bước xóa đói nghèo, song theo Thiếu tá Đỗ Xuân Điềm, do khoảng cách từ địa bàn tới nơi tiêu thụ hàng nông sản khá xa, hiện nay bà con đang cần được hỗ trợ thêm về máy móc, kiến thức, kỹ thuật để bảo quản tốt hàng nông sản sau thu hoạch, để sản phẩm không bị hư hỏng, mất giá. Bên cạnh đó, cũng rất cần các cấp, ngành, đoàn thể chung tay cùng Bộ đội biên phòng trong việc tìm đầu mối tiêu thụ hàng nông sản, giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định sinh kế lâu dài, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh biên giới.

Hải Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhieu-cach-lam-hay-mo-hinh-sang-tao-giup-nguoi-dan-bien-gioi-na-co-sa-giam-doi-ngheo-20250524181133708.htm