Nhiều cách làm hay trong triển khai Đề án 06 tại Nghệ An

Thông qua triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Nghệ An đã tạo bước đột phá trong phương pháp chỉ đạo điều hành của lãnh đạo và thái độ tiếp cận công việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, là cơ sở để kiểm soát đánh giá khách quan, hiệu quả kết quả của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết công việc.

Xác định Đề án 06 là đề án đặc biệt quan trọng của Chính phủ, có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng lớn tới đa ngành, đa lĩnh vực và tới tất cả các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã. Vì thế, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh đã lựa chọn UBND thị xã Thái Hòa, UBND thị xã Hoàng Mai và UBND 6 phường thuộc TP Vinh và thị xã Cửa Lò để xây dựng thí điểm đơn vị kiểu mẫu thực hiện Đề án. Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có lời phát động kêu gọi toàn thể nhân dân tỉnh nhà đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Đề án 06/CP trên địa bàn Nghệ An với những điểm sáng đáng ghi nhận.

Đề án 06/CP trên địa bàn Nghệ An với những điểm sáng đáng ghi nhận.

Đến nay, Nghệ An đã hoàn thiện các thể chế liên quan, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tính đến ngày 1/4/2024, hệ thống đã cung cấp 1.842 dịch vụ công, bao gồm 1.072 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 662 dịch vụ công trực tuyến một phần và 108 dịch vụ công còn lại. Nghệ An cũng là địa phương đi đầu trong quá trình tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch hành chính, dân sự không yêu cầu người dân xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy. Đồng thời, triển khai các phương thức sử dụng thông tin về cư trú phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên địa bàn. Tính từ 1/1/2023 đến ngày 1/4/2024, các sở, ban, ngành, địa phương đã khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu dân cư với 485.318 lượt trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp. Đối với việc cung cấp 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP và theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2024 toàn tỉnh đã tiếp nhận trực tuyến, giải quyết 2.184.531/2.728.098 hồ sơ (đạt 77,1%) đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và đã tích hợp 6/11 TTHC (lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận 40.923 hồ sơ; ngành Công an tiếp nhận 22.216 hồ sơ) đối với 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông 4 cấp gồm trung ương, tỉnh, huyện, xã và đã triển khai hệ thống chữ ký số tại 21 sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện, 100% UBND cấp xã và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở, ban, ngành, huyện trong tỉnh. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, triển khai kết nối liên thông gửi nhận văn bản trên phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho 23/23 đơn vị cấp Sở, ngành; 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã; kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ với 16.794 tài khoản người dùng đang sử dụng hệ thống. Đến nay, địa phương này cũng đã hoàn thành kết nối kỹ thuật từ LGSP tỉnh tới nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP/NDXP) để khai thác 20 dịch vụ đã sẵn sàng cung cấp. Trong đó, đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh để khai thác dữ liệu một số dịch vụ như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ kế hoạch và đầu tư); Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (BHXH Việt Nam); Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính); Hệ thống Dịch vụ bưu chính công ích của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (vnPOST). Số lượng kết nối được ghi nhận qua hệ thống LGSP tính từ ngày 01/06/2022 đến thời điểm hiện nay là 1.383.679 kết nối).

Thực hiện Đề án 06/CP, tỉnh Nghệ An đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, tham gia triển khai thực hiện. Tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP. Đặc biệt, thông qua triển khai thực hiện Đề án đã tạo bước đột phá trong phương pháp chỉ đạo điều hành của lãnh đạo và thái độ tiếp cận công việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, là cơ sở để kiểm soát đánh giá khách quan, hiệu quả kết quả của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết công việc.

Đề án 06 đã tác động thay đổi lớn về phương thức giao dịch giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, từ môi trường thủ công sang môi trường điện tử, không phụ thuộc không gian, thời gian, tiết kiệm chi phí và giảm phiền hà khi giao dịch. Các tiện ích của Đề án đã được áp dụng vào cuộc sống như: giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, trong khám chữa bệnh, chi trả các nguồn hỗ trợ cho các đối tượng… Đã xây dựng được dữ liệu công dân số là nền tảng cho phát triển xã hội số sau này.

Nguyễn Nam

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhieu-cach-lam-hay-trong-trien-khai-de-an-06-tai-nghe-an-i735031/