Nhiều cán bộ không dám đổi mới sáng tạo vì sợ sai
Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết sau hàng loạt vụ việc xảy ra vừa qua, nhiều cán bộ ngồi im, không dám đổi mới, sáng tạo vì sợ sai…
Chiều 10-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Góp ý kiến, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết sau một loạt vụ việc xảy ra thời gian qua thì có hiện tượng là nhiều cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo, diễn ra ở tất cả các cấp ngành địa phương.
“Hầu hết cán bộ đảng viên gần đây đều xác định làm tròn vai, vuông thì đứng yên một chỗ” - ông Hải nói.
Ông lấy ví dụ, tại phiên họp bất thường của HĐND TP Hà Nội sáng nay về thông qua kế hoạch đầu tư công, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị là đã phân cấp cho quận/huyện nhưng nhiều quận sợ vẫn xin ý kiến HĐND TP để cho chắc.
Hay như việc giải ngân TP Hà Nội chỉ đạt hơn 50%, năm ngoái đạt 39%, có thể nói rất thấp. Việc này hoàn toàn phụ thuộc cơ chế và công tác cán bộ.
“Trong Nghị quyết có nêu đổi mới sáng tạo, đột phá để hoàn thành mục tiêu yêu cầu của nghị quyết. Tuy nhiên thực tế cho thấy giữa đúng và sai rất mong manh, vô cùng mong manh. Trong khi đó công tác cán bộ luôn luôn được coi trọng và giải quyết mọi vấn đề. Nếu như không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá” - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho hay.
Ông Hải cũng cho biết bản thân ông được Ban tổ chức Trung ương mời tham gia xây dựng chỉ thị về việc bảo vệ cán bộ đảng viên đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Quá trình thảo luận chúng tôi thấy rằng có nhiều vấn đề trái với luật nếu chúng ta bảo vệ được cán bộ. Chỉ thị đó sắp ra đời” - ông Hải nêu.
Theo đó, ông đề nghị dự thảo nghị quyết Đại hội Đảng cần nhấn mạnh vấn đề bảo vệ cán bộ, không có thì quá trình thực hiện nghị quyết gặp rất nhiều khó khăn.
Khi cán bộ đổi mới sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề, trong khi cái không thành công đó có thể do khách quan đem lại như tình hình kinh tế thế giới, diễn biến, nhiều vấn đề ảnh hưởng yêu cầu mục tiêu…
“Do đó chúng tôi đã xây dựng, và có quan điểm để bảo vệ cán bộ dám đổi mới sáng tạo và có những quan điểm đột phá. Theo đó tôi đề nghị bổ sung việc bảo vệ cán bộ, đặc biệt cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm” - ông Hải nói.
Cùng nội dung, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đặt vấn đề, dự thảo văn kiện đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao sẽ “có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng”.
Theo nữ đại biểu, với mục tiêu đó và trong bối cảnh, tiềm lực của đất nước hiện nay, để phát triển đảm bảo cả yêu cầu “nhanh và bền vững” thì yếu tố then chốt là phải dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo.
“Cần phải coi đổi mới, sáng tạo là đặc trưng của giai đoạn tới, đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí dị biệt nhưng mang lại hiệu quả hơn. Đổi mới, sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ…” - bà Hiền nhấn mạnh.
Trong dự thảo báo cáo chính trị có 14 lần sử dụng cụm từ “đổi mới sáng tạo” trên nhiều phương diện khác nhau và được nêu trong đột phá chiến lược thứ hai về nguồn nhân lực. Nữ đại biểu đoàn Hà Nam cho rằng, vấn đề “đổi mới sáng tạo” rất cần được nêu thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế.
“Đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm lên mọi lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật cởi mở, là “bà đỡ”, là “bệ phóng” cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh có tính vượt trước” - bà Hiền giải thích và đề nghị nên “tạo lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã đề cập đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện bồi dưỡng nhân tài.
“Tôi mong rằng phần này phải làm sâu sắc hơn, đặc biệt là phải có sự công minh, bình đẳng trong việc bổ nhiệm cán bộ và cả về mặt cơ hội để họ phát triển” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Theo đại biểu đoàn TP Hà Nội, vấn đề công minh, bình đẳng trong bổ nhiệm cán bộ là hết sức quan trọng.
“Nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, con nhà nghèo nhưng phát triển rất tốt. Ngay cả tôi cũng là còn em nông dân. Do vậy, theo tôi nghĩ là con ai cũng được, miễn là có tài, có đức, có tâm thì phải có cơ chế để họ cống hiến cho đất nước”, ông Trí nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/nhieu-can-bo-khong-dam-doi-moi-sang-tao-vi-so-sai-949191.html