Nhiều cây xăng ở Cần Thơ vẫn đóng cửa với lý do thua lỗ, tháo gỡ cách nào?
Có những cửa hàng càng kinh doanh thì doanh nghiệp càng thua lỗ, ước tính mỗi tháng thua lỗ từ 400-500 triệu đồng…
Lo đứt gãy nguồn cung ứng
Những ngày này, dọc theo các tuyến đường Nam Sông Hậu, QL61C, QL91 từ Cần Thơ đến Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang… nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc treo bảng hết xăng.
Một số cây xăng vẫn mở cửa, trạm bơm vẫn sáng đèn nhưng không bán, hoặc có bán cũng chỉ rót cầm chừng 20.000 - 30.000 đồng/xe, giải quyết “tình thế” cho người đi xe máy.
Theo các chủ cửa hàng cho biết, nguyên nhân là do nguồn cung bị thiếu hụt và không còn vốn liếng để nhập hàng vì thua lỗ thời gian dài.
Các thương nhân phân phối xăng dầu cho biết, đều gặp khó khăn nguồn cung xăng dầu, không đảm bảo cung cấp xăng dầu trong hệ thống phân phối. Tình trạng chiết khấu thấp, có lúc 0 đồng, kéo dài, trong khi phải chịu chi phí vận chuyển, nhân công, quản lý… dẫn đến kinh doanh thua lỗ. Dù một số đơn vị cố gắng duy trì hệ thống phân phối nhưng khó khăn trong việc tìm nguồn hàng.
Chị Nguyễn Xuân Đào, đại diện đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN Anh Kiệt (nằm trên QL Nam Sông Hậu, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cho biết cây xăng đã đóng cửa hơn 2 tuần qua vì không còn vốn nhập hàng và cũng không thể trụ được nữa.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh, DNTN Trúc Ðăng (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết: “Trung bình mỗi tháng cửa hàng bán từ 20.000-30.000 lít, có thời điểm tăng cao hơn (do các cửa hàng lân cận hết hàng).
Buôn bán có lúc này lúc khác. Hiện nay mặc dù kinh doanh có lúc huề vốn hoặc lỗ, hàng khan hiếm nhưng chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để đảm bảo phục vụ bà con”.
Lý giải nguyên nhân xảy ra đứt gãy nguồn hàng, các thương nhân đầu mối cho biết, trước hết do thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra các thương nhân phân phối bình thường nhập từ quá nhiều nguồn, đặc biệt từ các đầu mối có cơ sở đặt tại các địa phương khác. Trong đó, có các nhà phân phối từ miền Bắc, miền Trung. Do đó, khi thị trường xảy ra biến động, các đầu mối với nhiều lý do đã tạm ngưng cấp hàng nên các thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ bị đứt nguồn hàng.
Trong khi đó cơ quan quản lý tại địa phương khó có thể can thiệp. Bên cạnh đó, do hiện nay kinh doanh xăng dầu trong tình trạng thua lỗ nên các thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ hạn chế nhập hàng để hạn chế lỗ…
Theo các đơn vị, cơ quan quản lý cần có chế tài chặt chẽ hơn để quản lý lĩnh vực này. Cùng đó, cần chính sách hỗ trợ cho các thương nhân đầu mối phát triển hệ thống bán lẻ trực thuộc tại địa phương để giữ ổn định nguồn cung trên thị trường.
Tại Cần Thơ, Công ty CP Taxi Mekong chi nhánh Cần Thơ vừa có công văn gửi đơn vị quản lý thị trường về việc xin tạm ngừng hoạt động cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Lý do, nguồn cung xăng dầu không ổn định, chiết khấu quá thấp nên doanh nghiệp không thể tiếp tục kinh doanh vì liên tục thua lỗ từ đầu năm 2022 đến nay.
Ông Ðỗ Hiếu Hiền, Giám đốc chi nhánh Cần Thơ của Công ty CP Taxi Mekong, cho biết, do nhiều khó khăn như nguồn cung xăng dầu không ổn định, đặt hàng khó khăn nên đôi khi xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ.
Hiện mỗi tháng chi phí để hoạt động cửa hàng khoảng 350 triệu đồng, chưa tính lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản nên ở thời điểm này càng kinh doanh, doanh nghiệp càng thua lỗ, ước tính mỗi tháng thua lỗ từ 400-500 triệu đồng.
Gỡ khó bằng cách nào?
Ghi nhận tại Cần Thơ, toàn TP này có 305 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Qua giám sát của các Ðội Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Cục QLTT TP Cần Thơ, thời điểm này nguồn cung xăng dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tương đối được đảm bảo.
Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động bình thường, không có hiện tượng đóng cửa, ngừng bán hàng trái quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số cửa hàng xăng dầu chưa được thương nhân đầu mối cung cấp đủ nguồn hàng. Có thời điểm hết xăng dầu hoặc không có xăng chỉ còn mặt hàng dầu DO, hoặc hết dầu còn xăng (chờ nguồn hàng từ các đại lý, thương nhân phân phối cung cấp).
Do đó, họ áp dụng hình thức bán hạn chế cho khách (50.000 đồng/lượt đối với xe máy, 200.000 đồng/lượt đối với ô tô)… đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Theo 7 thương nhân phân phối gồm: Công ty CP Thương mại Dịch vụ Năng lượng Hoàng Gia, Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng, Công ty CP Thương mại hóa dầu Ressol, Công ty TNHH Kinh doanh xăng dầu Cam Thủy, Công ty TNHH Petro Hoàng Yến Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Dầu khí Ðông Nam, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Thiên Minh, tổng sản lượng tiêu thụ hằng ngày của 65 cửa hàng xăng dầu thuộc các công ty trên là 699m3 (trong đó 378m3 xăng, 321m3 dầu). Tuy nhiên nguồn hàng luôn thiếu, khả năng duy trì hoạt động chỉ từ 3-5 ngày.
Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro), cho rằng: "Các giải pháp ổn định thị trường xăng dầu hiện nay cơ bản hướng đến các thương nhân đầu mối, đơn vị cung ứng mà chưa thật sự đến được đại lý, người trực tiếp bán hàng.
Hiện nay họ là người chịu thiệt nhiều nhất, thua lỗ liên tục thời gian dài, làm sao còn vốn làm ăn. Trong khi chính sách hạn mức tín dụng (room) như hiện nay, các đại lý khó tiếp cận vốn để duy trì kinh doanh. Nếu tình trạng này kéo dài, không có giải pháp căn cơ, nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra".
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, đã có dự thảo công văn của UBND TP kiến nghị Bộ Công thương với nội dung: "Chỉ đạo các thương nhân đầu mối hỗ trợ cung ứng thêm nguồn xăng dầu cho các công ty đầu mối trực thuộc trên địa bàn và thương nhân phân phối; xem xét điều hành giá xăng dầu linh hoạt, theo đúng chu kỳ (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết), không làm tăng độ trễ của thị trường, trong lúc đang biến động.
Xem xét, bổ sung các quy định, điều kiện trong kinh doanh về dự trữ, đăng ký sản lượng xăng dầu, cụ thể của các thương nhân phân phối đối với doanh nghiệp đầu mối. Từ đó để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường, có sự chia sẻ khó khăn trong kinh doanh toàn chuỗi cung ứng xăng dầu…".