Nhiều chế độ ưu đãi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Trong trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, người lao động (NLĐ) được khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện để được thụ hưởng rất nhiều quyền lợi như: hưu trí, thất nghiệp, thai sản... Bên cạnh đó, NLĐ còn được Nhà nước hỗ trợ về mức đóng theo tỷ lệ.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai) giải đáp thắc mắc và tư vấn cho người dân phường Trấn Biên về quyền lợi được thụ hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Đ.Phú

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai) giải đáp thắc mắc và tư vấn cho người dân phường Trấn Biên về quyền lợi được thụ hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Đ.Phú

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một trong những mục tiêu của BHXH là đảm bảo sự ổn định cuộc sống, hỗ trợ NLĐ khi gặp rủi ro như bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc thất nghiệp. Đồng thời, BHXH còn giúp NLĐ đảm bảo cuộc sống ổn định khi họ đến tuổi nghỉ hưu hoặc không còn khả năng lao động.

Cũng chính vì vậy, Luật BHXH năm 2024 (hiệu lực từ ngày 1-7-2025), ngoài quy định các đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc như: công chức, viên chức, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, luật này còn khuyến khích NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện.

Tại khoản 6, Điều 6 Luật BHXH năm 2024 quy định, khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai) hướng dẫn, tại Điều 3 Nghị định 159/2025/NĐ-CP ngày 25-6-2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện (gọi tắt Nghị định 159, hiệu lực từ ngày 1-7-2025) có quy định, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gồm: công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp NLĐ và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; cán bộ, công chức, viên chức đang tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này...

Còn về chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, luật gia Phạm Đình Đức cho biết, tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 159 nêu rõ, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định tại khoản 2, Điều 31 và khoản 1, Điều 36 của Luật BHXH năm 2024. Cụ thể bằng 50% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bằng 40% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; bằng 30% đối với người tham gia là người dân tộc thiểu số, bằng 20% đối với người tham gia khác.

Chế độ được thụ hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tại khoản 3, Điều 4 Luật BHXH năm 2024 có quy định chế độ dành riêng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được thụ hưởng các chế độ sau: trợ cấp thai sản; hưu trí; tử tuất; bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

Luật sư Trần Văn Giáp (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, một trong những quy tắc của BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng là có tham gia có hưởng, quyền lợi thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện gắn liền với quá trình tham gia BHXH. Chẳng hạn, tại Điều 98 Luật BHXH năm 2024 quy định, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.

Mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 98 của Luật BHXH năm 2024 được tính như sau: đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 104 của Luật BHXH năm 2024 tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 104 của Luật BHXH năm 2024 tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 104 của Luật BHXH năm 2024 tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Còn với với chế độ tử tuất, thai sản, cũng theo luật sư Trần Văn Giáp, người tham gia BHXH tự nguyện được thụ hưởng như sau: có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp: lao động nữ sinh con; lao động nam có vợ sinh con (khoản 1, Điều 94 Luật BHXH năm 2024). Người đang tham gia BHXH tự nguyện hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần (khoản 1, Điều 110 Luật BHXH năm 2024)…

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202507/nhieu-che-do-uu-dai-khi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-4b40d32/