Nhiều chỉ báo kinh tế khả quan

Nhiều điểm sáng đã xuất hiện trong bức tranh kinh tế của nước ta, tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng còn lại của năm nay.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Tổng cục Thống kê khi công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô, đã dùng rất nhiều từ “tích cực” để nói về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024.

Phục hồi tích cực

Nổi bật là kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%; 5 tháng đầu năm nay tăng 8,7%. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 5/2024 tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng ở 55 địa phương.

Sản xuất công nghiệp phục hồi đã thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm linh kiện điện tử nằm trong nhóm tăng trưởng xuất khẩu dẫn đầu với mức tăng trưởng khoảng 34%. Bên cạnh đó sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, giày dép cũng đã tăng trưởng ấn tượng.

Nhập khẩu tăng 18,2%. Đáng mừng là nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho sản xuất trong nước và cán cân thương mại 5 tháng xuất siêu 8,01 tỷ USD.
Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô khác có thể chứng minh xu hướng ngày càng tích cực hơn của nền kinh tế.

Chẳng hạn, 5 tháng, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 11 tỷ USD, tăng 2%; vốn thực hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8% cao nhất trong 3 năm qua. Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, thu hút khách quốc tế đạt 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra Covid-19… Đây là những tín hiệu khả quan để có thể thực hiện mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

Tình hình DN cũng có chuyển biến rất tốt. Lần đầu tiên kể từ đầu năm tới nay, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đã vượt qua số giải thể, rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, 5 tháng, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là 98.825 DN, còn số rút lui là 97.299 DN. “Điều này cho thấy tình hình đăng ký DN đang có bước chuyển tích cực” - Tổng cục Thống kê đánh giá.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng

Để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, bên cạnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, theo nhiều ý kiến, điều quan trọng phải “kích” sản xuất công nghiệp.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm cả các ngành công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước Quốc hội cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời bổ sung các động lực mới, mô hình kinh tế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo… để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, đây là các giải pháp trong dài hạn. Trong ngắn hạn, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng được các đại biểu Quốc hội cho là rất quan trọng. Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định: "Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 có khả năng vượt mốc kỷ lục của năm 2022 là 372 tỷ USD".

Đại diện Tập đoàn Sunhouse cho biết, nhà máy vừa lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất bảng mạch điện tử để đáp ứng các đơn hàng mới. Chỉ từ 40.000 sản phẩm được xuất khẩu năm ngoái, năm nay lượng đặt hàng linh kiện điện tử đã tăng cao nhờ có thêm các thị trường xuất khẩu mới.

Giám đốc Bán hàng Quốc tế Tập đoàn Sunhouse Vũ Kim Tuấn cũng chia sẻ: "Năm nay chúng tôi đã ký đơn hàng tầm 8 triệu sản phẩm 1 năm, tức tăng 200 lần. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết". Tương tự, với ngành dệt may, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân Nguyễn Đăng Lợi cho biết, đến thời điểm này, ngành vải dệt kim tăng trưởng 25% so với cung kỳ, khối lượng trung bình khoảng 130 tấn/tháng. Cùng đó, ngành may FOB (gia công theo các đơn hàng đã đặt) cho khách hàng Nhật Bản đã có đủ đơn hàng tới hết quý III/2024. Song, ông Nguyễn Đăng Lợi cho rằng, cũng giống như các DN trong ngành, mặt bằng chung về đơn giá chưa có sự cải thiện so với năm 2023.

Kiểm soát lạm phát dưới 4,5%

Nhiều tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế lớn gần đây dự báo tăng trưởng GDP quý II và năm nay của Việt Nam sẽ thuộc nhóm "Quốc gia tăng trưởng nhanh nhất", qua đó đóng góp cho tăng trưởng chung của khu vực châu Á. Dù tăng trưởng tiếp tục phục hồi tích cực, nhưng dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ thế giới tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội Việt Nam. “Một số nước triển khai các gói kích thích kinh tế mới, làm tăng thêm sức ép cạnh tranh, yêu cầu nền kinh tế phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do nắng nóng, thiếu nước. Khả năng hấp thụ vốn vay của DN còn hạn chế. Chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Đề cập đến việc áp lực lạm phát gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, CPI tháng 5 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân 5 tháng tăng 4,03%, cao hơn cận dưới mục tiêu cả năm là 4-4,5% và có xu hướng tăng qua từng tháng. Lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; tỷ giá tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài.

“Do đó, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu và nhấn mạnh đến chính sách tài khóa chủ yếu tập trung vào miễn, giảm thuế, phí và đẩy mạnh đầu tư công, chính sách tiền tệ phải tập trung nhiều nguồn lực hơn để ổn định tỷ giá, xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”…

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương; trong đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, nhưng phải kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5%.

Trước tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả năm nay, trong các chỉ đạo gần đây, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát để tiếp tục điều hành hài hòa, đồng bộ, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô.

Kiên định mục tiêu đề ra
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn. Thủ tướng yêu cầu tập trung làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc; củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, khuyến mại, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-chi-bao-kinh-te-kha-quan.html