Nhiều chỉ tiêu của EVN hoàn thành trước từ 1 - 2 năm
Tại buổi họp tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức sáng 25/12, theo ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2019, trước những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính, EVN đã đưa ra các giải pháp triệt để tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức và vượt kế hoạch từ 1 - 2 năm.
Cụ thể, trong sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2019 ước đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018; trong đó, doanh thu bán điện là 387.675 tỷ đồng, tăng 16,4%.
Về tiết kiệm chi phí, các đơn vị trong EVN đã nghiêm túc thực hiện tiết kiệm chống lãng phí nên đã tiết kiệm chi phí được 1.524 tỷ đồng (tương đương 7,5% chi phí định mức). Giá trị tiết kiệm thông qua đấu thầu khoảng 13.266 tỷ đồng (gồm cả chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí đầu tư) tương ứng tiết kiệm 16,4%.
Đặc biệt, giảm tổn thất điện năng năm 2019, toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 6,5% thấp hơn 0,2% so với kế hoạch và vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao.
Các đơn vị về đích sớm 1 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm gồm: Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải Điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung. Độ tin cung cấp điện tiếp tục được cải thiện so năm 2018; trong đó, thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 648,5 phút, giảm 11% so với năm 2018 (724 phút).
So với mục tiêu kế hoạch 5 năm, Tổng công ty Điện lực Tp Hồ Chí Minh về đích sớm 2 năm, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực miền Trung về đích sớm 1 năm. Tính đến cuối năm 2019, EVN đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất là 712.678 tỷ đồng (tăng 6.174 tỷ đồng so với năm 2018); trong đó, vốn chủ sở hữu là 219.092 tỷ đồng (tăng 1.646 tỷ đồng). Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,25 lần, tỷ lệ tự đầu tư 30,7%.
Lợi nhuận Công ty mẹ - EVN ước đạt 950 tỷ đồng đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao; các Tổng công ty trực thuộc đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Giá trị nộp ngân sách năm 2019 của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 27.200 tỷ đồng, tăng 2.089 tỷ đồng so với năm 2018.
EVN cho hay, trong năm 2020, về sản xuất kinh doanh, các nhà máy điện phải đảm bảo kế hoạch sản lượng mùa khô và cả năm. Các đơn vị phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kỹ thuật - vận hành, năng suất lao động; đảm bảo các chỉ tiêu tài chính, thanh xử lý 100% vật tư thiết bị tồn đọng, kém mất phẩm chất.
Đồng thời, các đơn vị hoàn thành kế hoạch về tiến độ, khối lượng, chất lượng và giải ngân vốn; tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong công tác đấu thầu, quyết toán đúng thời hạn quy định. Đơn vị truyền tải và các Tổng công ty điện lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng Trung tâm Điều khiển và trạm biến áp không người trực…