Nhiều chính phủ trên thế giới bị kiện đòi bồi thường 18 tỷ USD
Một số công ty năng lượng đã sử dụng một quy trình pháp lý cho phép các thực thể thương mại kiện các chính phủ theo luật pháp quốc tế, Sky News đưa tin.
Các công ty nhiên liệu hóa thạch đang sử dụng các hiệp ước cho phép họ kiện các chính phủ trên thế giới để yêu cầu hơn 18 tỷ USD như "khoản bồi thường" cho việc mất lợi nhuận tiềm tàng trong tương lai, theo một bản tóm tắt của Global Justice Now, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh vận động về các vấn đề công lý toàn cầu và phát triển ở Nam Bán cầu.
Các công ty này cho rằng các chương trình, quyết định của chính phủ các nước nhằm ứng phó biến đổi khí hậu đang đe dọa lợi nhuận của họ.
Phần lớn các vụ việc được đưa ra theo Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) và đang được lưu trữ tại Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG).
Khoản bồi thường khổng lồ
Theo Global Justice Now, các công ty đang tiến hành các vụ kiện, bao gồm TC Energy (Canada), RWE và Uniper (Đức), và Rockhopper và Ascent Resources (Anh).
Số tiền tổng cộng 18 tỷ USD mà các công ty trên yêu cầu là gần bằng 1/4 toàn bộ nguồn tài chính khí hậu do các quốc gia phát triển cung cấp cho các quốc gia đang phát triển, theo đánh giá gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD).
Khoản bồi thường khổng lồ này là gần bằng tổng giá trị các khoản tài trợ khí hậu ròng hàng năm mà các nước phát triển cam kết dành cho các nước đang phát triển (19-22 tỷ USD), theo ước tính của Oxfam.
Năm công ty này đang kiện các chính phủ trên thế giới thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS), một hệ thống các tòa doanh nghiệp hoạt động bên ngoài hệ thống luật pháp của một quốc gia vì nó được xây dựng trong các giao dịch thương mại và đầu tư.
Cụ thể, Rockhopper hiện đang kiện Chính phủ Ý với số tiền 325 triệu USD (234,8 triệu bảng Anh) trong một vụ tranh chấp liên quan đến lệnh cấm khoan dầu ngoài khơi gần với đường bờ biển.
Ascent đang yêu cầu khoản bồi thường 118 triệu USD (163,3 triệu bảng Anh) từ Chính phủ Slovenia sau khi nước này thông qua luật yêu cầu đánh giá môi trường đối với thủy lực cắt phá (fracking).
TC Energy có trụ sở tại Canada, công ty đứng đằng sau dự án đường ống Keystone XL gây tranh cãi, đang kiện Chính phủ Mỹ với số tiền 15 tỷ USD (10,9 tỷ bảng Anh) sau khi Chính quyền Tổng thống Biden hủy bỏ dự án, với lý do chống biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, các công ty Đức RWE và Uniper đang kiện Chính phủ Hà Lan với số tiền 1,6 tỷ USD (1,16 tỷ bảng Anh) và 1,06 tỷ USD (768 triệu bảng Anh) sau động thái của Chính phủ Hà Lan nhằm loại bỏ dần than và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030.
RWE, Uniper, Rockhopper và Ascent Resources theo đuổi các vụ kiện dựa trên Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT), một thỏa thuận đầu tư năng lượng bao gồm ISDS, mà Vương quốc Anh và EU đã ký kết. Vụ kiện của TC Energy chống lại Chính phủ Mỹ là theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
ECT được thành lập sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài khi các thị trường năng lượng mở cửa.
Còn NAFTA là hiệp định thương mại tự do giữa Canada, Mỹ và Mexico, ký kết cuối năm 1993, hiệu lực từ 1/1/1994. Hiệp định này giúp cho 3 nước thành viên có khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường thế giới với các khối như EU, AFTA.
“Các công ty nhiên liệu hóa thạch nên trả tiền để khắc phục cuộc khủng hoảng khí hậu mà họ gây ra, nhưng thay vào đó, giờ họ lại muốn được bồi thường”, nhà vận động thương mại của Global Justice Now, Jean Blaylock, nói với Sky News.
"Họ đang kiện những chính phủ đã thực hiện hành động khí hậu thông qua các tòa trọng tài doanh nghiệp, làm tăng ồ ạt chi phí hành động khí hậu".
"Các tòa án này được xây dựng từ các giao dịch thương mại, hoạt động bên ngoài và thay thế các tòa án và hệ thống pháp luật trong nước”, Blaylock cho biết thêm.
“Điều đó có nghĩa là khi một quốc gia thông qua một đạo luật nào đó nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch có thể phải đối mặt với khoản phạt hàng tỷ USD, mặc dù hành động của quốc gia đó hoàn toàn hợp pháp”.
"Những vụ thế này chỉ trở nên phổ biến hơn khi các chính phủ cam kết hành động vì khí hậu. Các nhà lãnh đạo thế giới cuối cùng có thể nhận ra mối đe dọa của cuộc khủng hoảng khí hậu và sinh thái, nhưng các công ty nhiên liệu hóa thạch lại đang tìm cách đòi tiền từ các chính phủ thông qua các tòa trọng tài doanh nghiệp”.
"Khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp ở Glasgow, Scotland (nơi tổ chức COP26), họ sẽ đưa ra những lời hứa cao cả về hành động vì khí hậu, nhưng tất cả sẽ vô ích nếu các công ty nhiên liệu hóa thạch có thể kiện các chính phủ và làm tê liệt các chính sách khí hậu".
Global Justice Now cho biết, Vương quốc Anh là trung tâm của hệ thống trọng tài quốc tế và tất cả, trừ hai trong số 30 công ty luật hàng đầu, tham gia vào ngành công nghiệp sinh lợi này đều có văn phòng tại London.
Các công ty nói gì?
"Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) được thiết kế để cung cấp một nền tảng ổn định cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Chính phủ Ý đã cấp giấy phép và khuyến khích đầu tư đáng kể vào khai thác dầu khí, dựa trên nền tảng này,” người phát ngôn của Rockhopper nói với Sky News.
"Rõ ràng là không công bằng khi thay đổi các quy tắc giữa chừng. Điều quan trọng cần lưu ý là những thay đổi quy tắc do Chính phủ Ý thực hiện không liên quan đến biến đổi khí hậu, và Ý tiếp tục sản xuất một lượng đáng kể dầu và khí đốt trong vòng 12 dặm kể từ bờ biển".
"RWE không kiện Chính phủ Hà Lan vì đã quyết định loại bỏ than đá. Chúng tôi tuyệt đối ủng hộ việc chuyển đổi năng lượng ở Hà Lan và các biện pháp liên quan để giảm lượng phát thải carbon”, người phát ngôn của công ty Đức RWE cho biết.
"Nhưng luật pháp Hà Lan không quy định về hậu quả mà các công ty bị ảnh hưởng phải chịu".
"Do đó, RWE đã đệ đơn yêu cầu phân xử chống lại Hà Lan tại Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID) ở Washington trong khuôn khổ Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT)".
"Bộ Y tế Slovenia, Bộ Cơ sở Hạ tầng, Viện Bảo tồn Thiên nhiên Slovenia, Viện Lâm nghiệp Slovenia, Văn phòng Hóa chất Slovenia và Viện Bảo tồn Slovenia, tất cả đều kết luận rằng không cần bản đánh giá tác động môi trường (EIA)”, người phát ngôn của Ascent Resources nói với Sky News.
"Quyết định của Cơ quan Môi trường Slovenia, do đó, không dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia của chính Slovenia và hơn nữa, nó mâu thuẫn với ý kiến mà họ đưa ra”.
“Chính phủ Hà Lan đã công bố ý định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cuối cùng vào năm 2030 mà không có tiền bồi thường”, người phát ngôn của Uniper cho biết.
"Uniper tin rằng việc đóng cửa nhà máy điện của chúng tôi ở Maasvlakte chỉ sau 15 năm hoạt động sẽ là trái pháp luật nếu không đưa ra khoản bồi thường thỏa đáng”.
"Luật pháp quốc tế cung cấp một tiêu chuẩn khác về bảo vệ đầu tư mở cho các nhà đầu tư từ các quốc gia khác tại các tòa án quốc tế. Tòa án quốc tế được bổ nhiệm bởi cả hai bên, tức là nhà nước Hà Lan và Uniper”.
"Chúng tôi tin rằng một tòa án quốc tế như vậy sẽ đưa ra những ý kiến khách quan".
Còn TC Energy cho biết, họ không bình luận thêm về vấn đề pháp lý.