Nhiều chính sách cởi mở, thu hút bác sĩ ở Tây Nguyên
Nhiều năm nay, các cơ sở y tế ở Tây Nguyên, nhất là cơ sở tuyến huyện, tuyến xã vẫn trong tình trạng thiếu bác sĩ.
Điều này đã khiến việc triển khai nhiều kỹ thuật mới gặp khó khăn. Đặc biệt, một số nhân viên y tế chưa nắm rõ tình hình của các tỉnh Tây Nguyên cũng như chính sách thu hút nên ngại đến nhận công tác. Trước thực trạng ấy, nhiều chính sách mở liên tục được các tỉnh này ban hành.
“Khát” nguồn nhân lực
Thống kê của Sở Y tế các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông cho thấy: Các cơ sở y tế trọng điểm vẫn thiếu nhiều bác sĩ, nhất là các bác sĩ có tay nghề cao. Nhiều người khi nghe thông tin thì nghĩ ở Tây Nguyên còn xa xôi, cách trở nhưng khi về công tác mới biết hệ thống hạ tầng đã được đầu tư bài bản, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày càng tăng cao.
BS. Nguyễn Đại Phong - Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết: Rất nhiều khoa vẫn đang cần bác sĩ, nhất là các khoa mới, đơn vị mới. Chúng tôi vẫn liên tục tạo điều kiện tối đa cho các bác sĩ về đây công tác nhưng vẫn thiếu hàng chục người. Các BVĐK thị xã Buôn Hồ, Trung tâm y tế huyện Buôn Đôn, huyện Ma Đ’rắk... cũng nằm trong tình trạng “khát” bác sĩ giỏi về công tác.
Tỉnh Gia Lai có diện tích rộng, nhiều khu vực phát triển sầm uất, hàng loạt cơ sở y tế trải đều ở các địa phương, vậy nhưng vẫn luôn phải trong tình trạng tìm kiếm bác sĩ. Điển hình như: Trung tâm y tế huyện K’Bang liên tục thông báo nhưng mỗi năm cũng chỉ tuyển được vài người, thậm chí có năm không tuyển được trong khi nhu cầu người dân khám bệnh rất lớn, còn thiếu khoảng trên 20 bác sĩ.
Trung tâm y tế huyện Mang Yang cũng thiếu bác sĩ nghiêm trọng, đang thiếu khoảng 50 bác sĩ. Theo Sở Y tế Gia Lai, riêng trong năm 2020 này, nhu cầu tuyển dụng bác sĩ lên đến 200 người nhưng mới tuyển được gần một nửa. Trước mắt, nhiều ca bệnh khó từ các tuyến huyện, tỉnh vẫn hỗ trợ chẩn đoán từ xa hoặc cử bác sĩ tiếp xuống xử lý, chuyển giao kỹ thuật, tăng cường xuống hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã có lộ trình nâng cao cơ sở vật chất toàn diện và tham mưu tỉnh Gia Lai ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo thuận lợi nhất cho nhân viên y tế về địa phương công tác.
Cơ sở vật chất hoàn thiện,
chính sách ưu đãi tăng
Để có đủ tiềm lực khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, nhiều bệnh viện quy mô lớn được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đã được vận hành tốt như BVĐK vùng Tây Nguyên. Song song với đó, nhiều cơ sở y tế tuyến huyện trải đều ở các tỉnh Tây Nguyên được nâng cấp, sửa chữa, bố trí cả nơi ăn, chốn ở cho bác sĩ khi có nhu cầu.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, nhiều UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ bằng tiền để thu hút bác sĩ. Cuối tháng 8/2020, UBND tỉnh Đăk Nông đã ban hành Quyết định số 1280/QĐ-UBND quy định cụ thể các đãi ngộ dành cho bác sĩ đã học đại học và sau đại học. Bên cạnh lương và các khoản phụ cấp, bác sĩ về Đăk Nông công tác lâu dài còn được hỗ trợ 300 triệu đồng với BSCKII, tiến sĩ; hỗ trợ 250 triệu đồng với BSCKI, bác sĩ nội trú, thạc sĩ; hỗ trợ 180-220 triệu đồng đối với bác sĩ, dược sĩ đại học.
Theo Sở Y tế Đăk Nông, sau khi có quyết định của UBND tỉnh này, ngày 16/9, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch chi tiết số 2023/SYT-TCCB để thu hút bác sĩ. Riêng trong năm 2020 này sẽ thu hút 36 người, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ 18/9/2020.
Việc rộng mở các chính sách thu hút bác sĩ tốt nghiệp chính quy về các cơ sở y tế công lập ở Tây Nguyên công tác nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực lành nghề, có chất lượng. Từ đó, đẩy mạnh và phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Trên cơ sở này, hướng đến mở rộng phát triển mạnh dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trong tình hình mới.
Ngoài hỗ trợ bằng tiền, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế công lập còn xây dựng các phương án thưởng đột xuất cho các cá nhân, tập thể khi hoàn thành tốt các ca phẫu thuật khó. Quy hoạch, bổ sung quy hoạch kịp thời cán bộ y tế có chuyên môn tốt, nhiều sáng tạo trong hoạt động khám, chữa bệnh. Hy vọng với các cách làm này, Tây Nguyên sẽ sớm ra khỏi tỉnh trạng “khát” bác sĩ.