Nhiều chính sách hỗ trợ để học sinh nghèo có cơ hội học đại học
Bản chất học phí là giá dịch vụ giáo dục và thực hiện theo lộ trình tính đủ chi phí theo quy định của Chính phủ.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đặt vấn đề với Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng, hiện nay, hướng nghiệp để phân loại cho học sinh là chủ trương rất tốt nhưng học phí tại các trường tư thục thì quá cao. Học phí trường đại học quá cao, học sinh nghèo sẽ không có cơ hội học đại học.
Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề học phí tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật số 08/2012/QH13 Luật Giáo dục Đại học tại khoản 4 Điều 65 quy định các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư số 14/2019/TT-BGĐT ngày 30/8/2019 hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để các cơ sở giáo dục căn cứ xác định mức thu học phí, đồng thời có trách nhiệm công khai minh bạch và giải trình với xã hội, cam kết chất lượng.
Về phản ảnh của đại biểu quốc hội về vấn học phí trường đại học quá cao, học sinh nghèo sẽ không có cơ hội học đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như quy định tại Luật Giá năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019 thì bản chất học phí là giá dịch vụ giáo dục và thực hiện theo lộ trình tính đủ chi phí theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Giáo dục Đại học thì các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên đồng thời đáp ứng điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật giáo dục đại học được tự chủ xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo Thông tư số 14/2019/TT-BGĐT ngày 30/8/2019 hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và có trách nhiệm công khai minh bạch và giải trình với xã hội, cam kết chất lượng.
Vai trò, vị trí của giáo dục đại học tư thục được thể hiện ra sao theo Luật mới?
Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 đã quy định rõ khung, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (gồm cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) và các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.
Đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 của Luật giáo dục đại học các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí.
Các cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Song song với việc ban hành các quy định về cơ chế thu và quản lý học phí tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, sinh viên thuộc đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; sinh viên theo học các ngành đặc thù; sinh viên bị tàn tật, khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên thuộc dân tộc thiểu số, dân tộc rất ít người sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên sẽ được miễn hoặc giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục còn quy định chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách cho học sinh, sinh viên theo lộ trình tăng của học phí và mức lương cơ sở.
Đồng thời, theo quy định tại Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT ngày 01/08/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Quyết định 44/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh, sinh viên, quy định các cơ sở giáo dục đại học trích quỹ học bổng khuyến khích học tập tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường công lập và tối thiểu bằng 2% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường ngoài công lập.
Đối với các trường sư phạm và các ngành nghề đào tạo không thu học phí thì quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 8% nguồn ngân sách Nhà nước cấp bù học phí.
Ngoài ra, sinh viên thuộc gia đình có điều kiện khó khăn có thể vay tín dụng sinh viên. Theo quy định tại Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Mức cho vay tối đa là 2.500.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định chính sách ưu tiên trong tuyển sinh cho sinh viên thuộc đối tượng chính sách, sinh viên có hộ khẩu tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn (tại Điều 7, Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).