Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo

Nhằm tạo điều kiện để người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, Phú Yên đã và đang tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo bền vững; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản.

Qua rà soát, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 8.481 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 3,22%. Trong đó, 3.548 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm 41,8%; 3.628 hộ nghèo là người DTTS, chiếm 42,8%.

Đa dạng hóa mô hình thoát nghèo

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Trong năm 2023, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trên 30 mô hình dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Ông Võ Đại Mộng ở xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân thoát nghèo nhờ nuôi bò. Ảnh: NGUYỄN QUÂN

Ông Võ Đại Mộng ở xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân thoát nghèo nhờ nuôi bò. Ảnh: NGUYỄN QUÂN

Đến nay đã giải ngân 623 triệu đồng. Các địa phương tiếp tục tổ chức và đẩy mạnh lựa chọn mô hình phù hợp và đã tổ chức thẩm định 15 hồ sơ mô hình giảm nghèo, chủ yếu tập trung nuôi bò thịt, bò cái lai sinh sản, nuôi nhím sinh sản và sản xuất muối sạch.

Ông Võ Đại Mộng (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) được hỗ trợ 1 con bò cái giống để nuôi vào năm 2022. Đây là một trong 37 hộ thực hiện mô hình Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Hằng ngày, vợ chồng ông bỏ công đi cắt cỏ, tự học thêm kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản.

Đến nay, qua hơn 2 năm, bò đã sinh bê. Thêm vào đó, gia đình ông còn chăn nuôi gà, trồng trọt, từ chỗ nghèo khó giờ đời sống dần tạm ổn. “Bò mẹ sinh bê rồi, chúng tôi ráng nuôi thêm thời gian nữa, chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình sẽ khấm khá hơn”, ông Mộng nói.

Ông Lê Xuân Sang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Long chia sẻ: Người dân trên địa bàn xã chủ yếu sống bằng nghề nông và chăn nuôi bò, heo. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo thiếu vốn sản xuất. Được sự hỗ trợ của chính quyền, mặt trận các cấp, các hộ mới có điều kiện mở rộng mô hình nuôi bò sinh sản, tăng thu nhập. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương.

Ngoài ra hỗ trợ sinh kế, chương trình Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đã giúp hàng ngàn hộ an cư. Được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, chị Sô Thị Vành (đồng bào Chăm ở thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) cho biết, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu làm nông, chưa có chỗ ở ổn định.

Năm 2023, được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, chị vay thêm của người thân xây ngôi nhà mới. Có chỗ ở ổn định, gia đình chị chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, quyết tâm thoát nghèo.

Theo ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành các chính sách, giải quyết tồn tại, tháo gỡ vướng mắc cho các cấp, ngành, địa phương cùng chung tay, nỗ lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, giúp hộ nghèo, đồng bào DTTS hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các chủ trương, chính sách đó, nỗ lực phấn đấu lao động sản xuất, từng bước tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng chính quyền các cấp đã tập trung tuyên truyền và tham gia giám sát, đánh giá kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững tại cơ sở, phát hiện những tồn tại, hạn chế đề nghị các cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời cho người dân; huy động nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 0,7-1% hằng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo

Bên cạnh triển khai các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh còn triển khai các chính sách giảm nghèo thường xuyên gồm: chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về GD-ĐT cho học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo thụ hưởng văn hóa thông tin; chính sách hỗ trợ nhà ở và hỗ trợ tiền điện, cải thiện dinh dưỡng…

Một hộ cận nghèo ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) được hỗ trợ vay vốn làm nghề tráng bánh tráng, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: VIỆT AN

Một hộ cận nghèo ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) được hỗ trợ vay vốn làm nghề tráng bánh tráng, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: VIỆT AN

Các chính sách rất phù hợp và đồng bộ, thiết thực, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Phan Đại Thắng cho biết: Với mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo (không tính hộ nghèo không có khả năng lao động) và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022-2025) theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia, tỉnh tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan đơn vị, nhất là của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là chỉ tiêu để đánh giá thi đua tập thể và cá nhân hằng năm.

Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo như: hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập…

Tỉnh cũng chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.

Địa phương tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: GD-ĐT; BHYT; khám, chữa bệnh; nhà ở và các chương trình, dự án về nước sinh hoạt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi và nhà tiêu hợp vệ sinh. Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức và tăng cường tập huấn, hướng dẫn việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nghèo.

Tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động ở vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất; nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với tạo việc làm.

Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện công tác giảm nghèo, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, đấu tranh có hiệu quả với các tệ nạn xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

HOÀNG LÊ - NGUYỄN QUÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/318080/nhieu-chinh-sach-ho-tro-nguoi-ngheo.html