Thoát nghèo từ ứng dụng kiến thức học nghề trong lao động sản xuất ở Thái Nguyên

Các lớp dạy nghề cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Thoát nghèo nhờ ứng dụng kiến thức học nghề trong lao động sản xuất.

Thoát nghèo nhờ ứng dụng kiến thức học nghề trong lao động sản xuất.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn

Triển khai chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã có hàng nghìn lao động ở vùng đồng bào DTTS, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được đào tạo nghề, với nhiều ngành nghề sát với nhu cầu, thực tiễn của địa phương cũng như của người dân.

Bà Đỗ Thanh Bình, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Trong những năm qua, để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đúng với nhu cầu của người dân, các ngành nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Lương đã ban hành các văn bản hướng dẫn khảo sát dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn.

Việc triển khai đào tạo nghề trên địa bàn huyện luôn được các cơ quan chuyên môn quan tâm thực hiện, hàng năm mở lớp tại các thôn bản, đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn qua đó đã tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận và nắm bắt kiến thức một cách hiệu quả".

Cũng theo bà Đỗ Thanh Bình, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.

Tại xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, năm 2023, đã tổ chức 2 lớp dạy nghề Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, 1 lớp sử dụng thuốc thú y và 1 lớp sửa chữa máy móc, mỗi lớp có 30 học viên, được tổ chức trong vòng 3 tháng. Học viên sẽ được các giáo viên là cán bộ xã cung cấp các thông tin cơ bản, những kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình thực hành sẽ giúp học viên áp dụng vào thực tiễn lao động sản xuất hiệu quả.

Là hộ mới thoát nghèo, ông Nguyễn Văn Vụ (SN 1968) người dân tộc Tày, trú tại xóm Xuân Trường, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương cho biết: "Gia đình tôi thuộc hộ nghèo đã nhiều năm nay, cuộc sống vất vả chỉ đi làm thuê và trông chờ vào mấy sào ruộng, dù cố gắng chăm chỉ nhưng cũng chỉ đủ ăn. Mới đây, được cán bộ xã thông tin và giới thiệu về lớp học sửa chữa máy cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS. Tôi đã đăng ký tham gia ngay".

Ông Vụ cho biết thêm, trong thời gian khoảng 3 tháng các học viên đã được đào tạo những nội dung về kỹ thuật sửa chữa động cơ diesel 4 kỳ 1 xy lanh; kỹ thuật sửa chữa bộ truyền động và hộp số; chẩn đoán, xử lý hư hỏng động cơ và máy cày công suất nhỏ. Ngoài ra, các học viên còn được trực tiếp thực hành sửa chữa các động cơ và máy cày công suất nhỏ hiện có trên địa bàn để nâng cao kỹ năng.

 Nhờ tham gia lớp học sửa chữa máy giờ đây ông Vụ không chỉ sửa chữa các thiết bị trong gia đình mà còn giúp đỡ bà con xóm làng.

Nhờ tham gia lớp học sửa chữa máy giờ đây ông Vụ không chỉ sửa chữa các thiết bị trong gia đình mà còn giúp đỡ bà con xóm làng.

Trang bị kiến thức cơ bản trong lao động sản xuất

Anh Nguyễn Văn Dự (SN 1990, trú tại xóm Thâm Trung, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cũng là một trong những học viên rất tích cực của lớp sửa chữa máy.

Anh Dự cho hay, mới buổi đầu tham gia, kiến thức có phần rất xa lạ khiến anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm học để mở mang kiến thức và có thể áp dụng vào thực tiễn của cuộc sống, anh đã sớm vượt qua.

“Hiện tôi có thể sửa chữa máy móc cơ bản như máy cày, máy bơm nước, các thiết bị cơ bản. Nhờ đó, mỗi khi ra đồng làm việc cũng có thể tìm cách giải quyết những khó khăn mà không cần phải mang đi sửa và phải chờ đợi. Tôi nghĩ, người dân địa phương, nhất là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên tham gia các lớp học nghề. Kiến thức sẽ giúp mọi người trong làm ăn, phát triển kinh tế, từ đó bà con sẽ có cơ hội thoát nghèo”, anh Dự cho biết.

Có thể thấy thông qua các lớp đào tạo nghề đã giúp cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn được trang bị những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt để có thể áp dụng trực tiếp vào thực tế của gia đình, tạo điều kiện giúp các hộ khó khăn nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng tạo điều kiện giúp huyện nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoat-ngheo-tu-ung-dung-kien-thuc-hoc-nghe-trong-lao-dong-san-xuat-o-thai-nguyen-post690461.html