Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023
Từ tháng 6/2023, nhiều chính sách mới có hiệu lực như quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thay đổi về hồ sơ khám sức khỏe; hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp bằng bản điện tử; một số trường hợp không được bán hàng đa cấp…
Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Có hiệu lực từ ngày 15/6, Thông tư 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc quản lý và mẫu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước; tiêu chuẩn giảng viên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Những nội dung hướng dẫn quản lý, mẫu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng và đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được nêu tại Thông tư này áp dụng đối với các khóa bồi dưỡng (bao gồm giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc từ xa).
Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp cho học viên tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng. Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.
Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp 1 lần cho học viên hoàn thành khóa học, trong ngày bế giảng khóa học.
Những thay đổi mới về hồ sơ khám sức khỏe
Thông tư số 09/2023/TT-BYT quy định về nội dung khám sức khỏe trong đó có hồ sơ khám sức khỏe của người khám sức khỏe định kỳ sẽ được sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục của Thông tư 14/2013/TT-BYT, có hiệu lực từ 20/6.
Trong đó, thay đổi mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ tại Thông tư 14/2013/TT-BYT cũ đã được thay thế bằng mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ mới tại phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BYT.
Đối với các trường hợp khám sức khỏe định kỳ được khám theo nội dung ghi trong sổ khám sức khỏe định kỳ. Cụ thể, khám nội khoa (tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận - tiết niệu, nội tiết, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần); mắt; tai mũi họng; răng hàm mặt; da liễu; phụ sản…
Cùng với đó, phụ lục 3b quy định lao động nữ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản như khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung, sàng lọc ung thư vú, siêu âm tử cung - phần phụ.
Kết quả thủ tục hành chính được cung cấp bản điện tử
Quyết định số 13/QĐ-BCĐCCHC của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2023. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính.
Từ 1/6, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo); 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quyết định cũng nêu rõ việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương. Định kỳ hàng tháng công khai danh sách, tổ chức, cá nhân chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương.
Thêm trường hợp không được bán hàng đa cấp
Cũng có hiệu lực trong tháng 6/2023, từ ngày 20/6, Nghị định số 18/2023/NĐ-CP có hiệu lực, quy định cụ thể về những trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp được nêu tại khoản 23 Điều 1.
Cụ thể, người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam được cấp gắn với doanh nghiệp mà người đó tham gia bán hàng đa cấp trừ trường hợp được miễn (Quy định cũ chỉ quy định là người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam trừ trường hợp được miễn).
Bổ sung quy định "Doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc".
Ngoài ra, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Các đối tượng còn lại vẫn giữ nguyên như quy định cũ tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.