Nhiều 'chỗ làm bị bỏ trống,' kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái

Nền kinh tế Mỹ hiện đang được 'neo giữ' nhờ thị trường lao động tiếp tục thắt chặt; số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này đã giảm 7.000 đơn trong tuần tính đến ngày 27/7.

Bảng thông báo cần thuê nhân viên tại một nhà hàng ở Arlington, Virginia (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bảng thông báo cần thuê nhân viên tại một nhà hàng ở Arlington, Virginia (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức nhiều thành phố, các hạt và khu học xá ở Mỹ đang “ra sức” tăng lương để giữ chân và thu hút người lao động trước sự cạnh tranh từ các nhà tuyển dụng tư nhân.

Cuộc đua tăng lương của các cơ quan công quyền Mỹ để tìm người lấp đầy những chỗ làm bị bỏ trống ngày càng nhiều sau đại dịch COVID-19 đã dẫn đến một trong những đợt tăng lương lớn nhất của chính quyền các bang trong 15 năm qua.

Việc thiếu nhân viên trực tổng đài 911 đã làm tăng gấp đôi thời gian giữ máy trung bình của những người gọi đến. Đó là tình trạng tại thành phố Kansas, bang Missouri.

Ở một hạt thuộc bang Florida, nhiều học sinh thường xuyên đi học muộn do thiếu tài xế xe buýt.

Ở nhiều thành phố và bang khác nhau, các vết nứt và ổ gà trên đường phố cần nhiều thời gian hơn để sửa chữa do thiếu công nhân.

Tỷ lệ nghỉ việc tại các cơ quan chính quyền bang và địa phương của Mỹ cao gấp đôi mức trung bình của hai thập kỷ trước - theo một thống kê trên cả nước.

Mức lương không cạnh tranh là lý do phổ biến nhất khiến người lao động nghỉ việc - theo một cuộc khảo sát gầm 250 nhà quản lý nhân sự của chính quyền địa phương và cấp bang do Viện Nghiên cứu MissionSquare tiến hành.

Cảnh sát, nhân viên tư pháp, bác sỹ, y tá, kỹ sư và những công việc yêu cầu người làm có bằng lái xe dịch vụ là những vị trí việc làm khó tuyển dụng nhất.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, bệnh viện... đã nhanh chóng thích nghi với "hoàn cảnh mới" bằng việc tăng lương khởi điểm và kèm theo các ưu đãi để thu hút nhân viên.

Các cơ quan công quyền hành động chậm hơn vì việc tăng lương phải trải qua một quy trình lập pháp có thể mất hàng tháng để được chấp nhận, cũng như thêm nhiều tháng nữa để có hiệu lực.

Nền kinh tế Mỹ hiện đang được "neo giữ" nhờ thị trường lao động tiếp tục thắt chặt.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm 7.000 đơn, xuống mức 221.000 đơn trong tuần tính đến ngày 27/7 - theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày.

Số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau một tuần thất nghiệp đầu tiên cũng giảm 59.000 đơn, xuống còn 1,690 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 15/7.

Số lượng đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử, mặc dù có nhiều đợt sa thải nhân công trong lĩnh vực công nghệ và tài chính vào năm 2022 và đầu năm 2023.

Việc làm trong lĩnh vực giải trí và khách sạn vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

Số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý 2 năm 2023 nhờ khả năng phục hồi của thị trường lao động củng cố chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị, có khả năng ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2,4% trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái - cao hơn mức tăng trưởng 2% của quý 1 và mức dự báo được các nhà kinh tế đưa ra trước đó là 1,8%.

Phần lớn nền kinh tế Mỹ đang vượt qua được những khó khăn do chính sách tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mang lại. Với áp lực giá cả đang hạ nhiệt, một số người hiện tin rằng kịch bản “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế do Fed dự tính là khả thi.

Dù vậy, một số nhà kinh tế vẫn tin rằng một cuộc suy thoái đang đến gần, khi mà chi phí đi vay cao hơn cuối cùng sẽ khiến người tiêu dùng gặp khó khăn hơn trong chi tiêu bằng tín dụng.

Một ngôi nhà treo biển rao bán tại Washington, D.C. (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một ngôi nhà treo biển rao bán tại Washington, D.C. (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng và tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch tiếp tục cạn kiệt, trong khi tăng trưởng việc làm chậm lại được cho sẽ hạn chế tăng trưởng tiền lương.

Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 26/7 cho biết các thành viên của Fed không còn dự đoán kinh tế suy thoái, mặc dù họ vẫn nhận thấy "sự tăng trưởng chậm lại đáng chú ý bắt đầu từ cuối năm nay."

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố mới đây, doanh số bán nhà mới dành cho một hộ gia đình ở Mỹ đã giảm trong tháng Sáu vừa qua, chấm dứt chuỗi ba tháng tăng liên tiếp, song nhu cầu vẫn mạnh do sự thiếu hụt trầm trọng những căn nhà đã qua sở hữu.

Doanh số bán nhà mới hằng năm của Mỹ đã giảm 2,5% trong tháng Sáu xuống mức 697.000 căn, thấp hơn mức dự báo 725.000 căn - được các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters đưa ra trước đó. Tuy nhiên, doanh số bán nhà mới tháng Sáu đã tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá nhà mới trung bình ở Mỹ trong tháng 6/2023 là 415.400 USD/căn, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá nhà trung bình nói chung là gần 500.000 USD/căn - theo số liệu của Hiệp hội Các Nhà Xây dựng Quốc gia./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhieu-cho-lam-bi-bo-trong-kinh-te-my-dung-truoc-nguy-co-suy-thoai/886004.vnp