Cận cảnh những bãi phế liệu "chờ nổ" tại Hà Nội.
Theo chiếc xe kéo chở phế liệu cao chừng 2 đến 3m đang di chuyển trên đường Nguyễn Xiển, chúng tôi được dẫn đến đường Tân Triều Mới (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Huyện vừa xảy ra vụ cháy thương tâm tại bãi thu gom phế liệu vào tối 26/10.
Ngay đầu ngã ba đường Tân Triều Mới, nằm sát bãi rửa xe ô tô, là cơ sở thu gom quây bằng tôn, bên ngoài là biển hiệu lớn với nội dung “chuyên thu mua phế liệu 24/24". Xung quay khu vực này cũng có nhiều nơi tập kết phế liệu.
Những bao tải phế liệu chất đống lấn chiếm cả lòng đường.
Phía bên trong, đủ loại phế liệu như bình gas, giấy vụn, nhựa,... bầy bừa lộn xộn. Nhiều xe máy cũ nát, máy còn nóng nguyên khi vừa sử dụng cũng đỗ cạnh đống phế liệu dễ cháy. Cùng với đó là hệ thống dây điện chằng chịt, chạy qua cả đống phế liệu.
Một góc nhỏ trong căn xưởng này được chia làm nơi ở, sinh hoạt của 4 thành viên trong gia đình. Khi được hỏi về vụ cháy ở Thanh Trì, chủ cơ sở này nói, đã nghe tin vụ cháy. Tuy nhiên, với họ, nguy cơ cháy có vẻ còn rất xa.
Cách đó không xa, một điểm thu mua phế liệu khác còn ngang nhiên phơi nhựa và tập kết phế liệu ra đường.
Chuyến xe tải được chất những bao phế liệu cao như núi chuẩn bị xuất bãi trên đường Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai).
Đây là bãi phế liệu ngoài trời, thu gom đủ các chủng loại dễ cháy.
“Bình cứu hỏa nổ làm sao được, chúng tôi gom vào một chỗ rồi chuyển đi sau”, chủ cơ sở cho biết.Trong khi đó, nhiều vụ nổ bình cứu hỏa khi thu gom phế liệu gây thương vong đã xảy ra. Thậm chí, vào tháng 6 vừa qua, tại Thái Lan, một học sinh thiệt mạng khi đang diễn tập cứu hỏa vì bình chữa cháy nổ. Người sống sót trong vụ cháy tại Tứ Hiệp, Thanh Trì vừa qua kể lại vụ cháy bắt đầu từ việc ép bình xịt tóc dẫn đến sập nhà, cháy lớn.
Trên đường Văn Phú (quận Hà Đông), hàng chục bình ga, thùng xốp tập kết trên vỉa hè.
Để phòng xa, gia đình anh Vũ Anh Kiên (47 tuổi) chỉ thu mua giàn giáo và phế liệu xây dựng bằng sắt, thép; không mua các phế liệu dễ cháy. Anh Kiên cho rằng: “Nếu người ta biết cách làm, thu mua và xử lý đúng kỹ thuật sẽ đảm bảo an toàn. Ví dụ, đối với những bình kín, hay thùng phi bên trong còn dầu, không ép hay đưa đèn khò vào để cắt ngay mà phải dùng dao hoặc vật sắc nhọn cắt khoanh 1 vòng đầu bên kia để đảm bảo thùng được thông thoáng. Như vậy sẽ đảm bảo hơn”.
Ông Nguyễn Văn Trọng (58 tuổi) người dân thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ cháy tối 26/10. Ông Trọng đề xuất: “Trước khi có những thay đổi mạnh hơn về cách quản lý. Các cơ quan chức năng phải thường tuyên truyền, kiểm tra, thậm chí xử lý các cơ sở phế liệu không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy; kể cả cơ sở nhỏ lẻ vì càng nhỏ lẻ càng chủ quan và làm ẩu. Cùng với đó, các chủ cơ sở kinh doanh phế liệu cũng phải nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh”.
Trong 10 năm qua, trên địa bàn cả nước đã xảy rất nhiều vụ cháy liên quan đến kho bãi chứa phế liệu. Trong đó, nghiêm trọng nhất: Ngày 19/3/2016, ở Văn Phú, quận Hà Đông, TP. Hà Nội một người đàn ông thu gom phế liệu trong quá trình cưa bom đã phát nổ gây thiệt hại nghiêm trọng khiến 5 người chết, 10 người bị thương, hơn 200 ngôi nhà bị hư hại... Ảnh: Hiện trường vụ cháy tại huyện Thanh Trì tối 26/10.
Nguyễn Hải - Thành Đạt