Nhiều chủ doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân không ngại vi phạm pháp luật
Tư duy của nhiều chủ sở hữu doanh nghiệp còn bất cập, thậm chí có một bộ phận không nhỏ không ngại vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về sở hữu trí tuệ, về chất lượng hàng hóa.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam (VINASME) - đã phân tích về những nguyên nhân tồn tại, hạn chế làm kinh tế tư nhân/doanh nghiệp nhỏ và vừa (KTTN/DNNVV) chưa phát triển đúng với tiềm năng tại diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc, lần thứ XII, với chủ đề: “Thúc đẩy thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để bứt phá, phát triển” vừa được tổ chức tại TP. Việt Trì, Phú Thọ hôm nay (18/12).
Đối diện với nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng
Tiến sĩ Tô Hoài Nam nhấn mạnh: "KTTN/DNNVV đang phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng, sự hỗ trợ cho khu vực này còn rất ít, hầu như mọi nguồn lực từ vốn, công nghệ, chính sách hỗ trợ đều kém hiệu quả. Có thể đánh giá là vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, kiểm soát của bộ máy nhà nước đối với khu vực KTTN/DNNVV còn rất yếu".
Ông thẳng thắn chỉ ra rằng, tâm lý xã hội và nhiều cán bộ công chức vẫn còn thiếu niềm tin vào KTTN, thậm trí có một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức còn coi đây là đối tượng để “kiếm chác”, trục lợi đã sử dụng quyền lực của mình trong quá trình thi hành công vụ gây phiền hà, sách nhiễu và tham nhũng. Điều đó thực sự là những lực cản rất lớn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Trong khi KTTN/DNNVV đang rất cần sự hỗ trợ, thúc đẩy cho hệ thống liên kết kinh doanh hình thành thì hệ thống tổ chức bộ ngành, địa phương dường như không có hành động nào đáng kể để tạo dựng các mối liên kết này thể chế liên kết từng tỉnh, vùng hoạt động không ăn khớp, không hướng tới tạo liên kết kinh doanh, thậm chí còn bị chia cắt hành chính, nhất là trong hoạch định, thực thi chính sách cho từng ngành hàng...).
Toàn cảnh diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc, lần thứ XII, với Chủ đề: “Thúc đẩy thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để bứt phá, phát triển” vừa được tổ chức tại TP. Việt Trì, Phú Thọ hôm nay (18/12).
Thêm một nguyên nhân nữa, TKTN/DNNVV xuất phát điểm còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước trong khu vực, hầu hết doanh nghiệp KTTN/DNNVV hoạt động chưa lâu trong môi trường kinh tế thị trường với đặc điểm cạnh tranh rất gay gắt.
Với đặc điểm được hình thành và phát triển tự phát nhỏ lẻ, khả năng tích lũy vốn rất yếu, kênh huy động vốn xã hội rất kém hiệu quả, nên phần lớn các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trên 90% có mức vốn dưới 1 tỷ đồng, và kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm khoảng 95% tổng số các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân.
"Trong khu vực KTTN, thiết bị, công nghệ lạc hậu nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu, trình độ quản lý nhìn chung còn yếu kém, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế yếu. Tư duy của nhiều chủ sở hữu doanh nghiệp còn bất cập, thậm chí có một bộ phận không nhỏ không ngại vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về sở hữu trí tuệ, về chất lượng hàng hóa", ông Nam nói.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội.
3 khó khăn lớn khiến DNNVV “chậm lớn”
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội - cho biết, xét về mức độ tổng thể, khái quát các lĩnh vực ưu đãi của Luật Hỗ trợ DNNVV, các doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, đổi mới công nghệ…
"Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước", Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội nhận định.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết, thực tế, các DNNVV đang gặp 3 khó khăn lớn. Đó là, quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ, thiếu vốn dẫn đến hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa bài bản, thiếu tầm nhìn chiến lược phát triển dài hơi, bền vững.
Thứ hai, hạn chế về công nghệ do thiếu vốn đầu tư. Ông Mạc Quốc Anh chỉ ra các số liệu thống kê cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Thêm vào đó, số doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ hiện tại không nhiều. Việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp còn diễn ra chậm chạp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội không ngại chỉ ra điểm yếu thứ ba: Trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động còn bất cập.
Theo ông Mạc Quốc Anh: "Phần lớn lực lượng lao động trong các DNNVV chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Về trình độ quản lý, đa số các chủ doanh nghiệp, ngay cả những người có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên cũng ít người được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị doanh nghiệp các lớp về pháp luật trong kinh doanh".
Những điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh yếu kém của DNNVV và khiến các doanh nghiệp này khó có thể cạnh tranh với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp nước ngoài, các nhãn hàng ngày một nhiều tại Việt Nam.