Nhiều chủ tàu vay theo Nghị định 67 rất dễ chuyển sang nợ xấu
Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh cho hay, toàn tỉnh cho vay theo Nghị định 67 với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng để ngư dân đóng mới, nâng cấp 121 chiếc tàu. Dư nợ còn lại đến nay là 958,1 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 295,5 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 654,3 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 8,3 tỷ đồng). Nợ xấu là 23 tỷ đồng/6 chiếc tàu, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 97,6 tỷ đồng/90 chiếc tàu. Trong số 121 chiếc tàu trên, có 1 tàu đã trả hết nợ; 1 tàu bị Indonesia bắt không trả được nợ, ngân hàng xử lý bằng cách chuyển sang nợ xấu ngoại bảng; 3 tàu bị cháy bảo hiểm bồi thường toàn bộ cũng đã trả hết nợ; 1 tàu bị cháy, bảo hiểm không bồi thường hết, phần còn lại cũng phải chuyển sang nợ xấu ngoại bảng. Còn lại 115 tàu, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh: tàu cá hoạt động có hiệu quả, có thể trả gốc/lãi đúng hạn là 25 chiếc với dư nợ vay là 86,16 tỷ đồng; tàu cá hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không thể trả được nợ gốc/lãi đúng hạn là 90 chiếc với dư nợ vay là 872,04 tỷ đồng rất dễ chuyển sang nợ xấu…
Nhiều chủ tàu vay theo Nghị định
Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao nhiều chủ tàu vay theo Nghị định 67 dễ chuyển sang nợ xấu? Ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh, cho biết: Nguyên nhân chủ quan là hiện tượng chủ tàu chây ỳ cố tình không trả nợ mặc dù chủ tàu vẫn hoạt động và vẫn có nguồn thu từ khai thác trong khi ngân hàng không quản lý được dòng tiền do việc mua bán sản phẩm được thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt ngay trên biển hoặc tại các cảng cách xa địa bàn sinh sống, không có hóa đơn, chứng từ; chủ tàu không ghi hoặc ghi chép nhật ký khai thác khai báo không chính xác, hiện chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém, thiếu kinh nghiệm dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, không đảm bảo nguồn thu trả nợ ngân hàng đúng hạn. Ngoài ra còn một số nguyên nhân chủ quan khác là: Chủ tàu lựa chọn ngành nghề không phù hợp, chủ tàu không còn quyết tâm đi biển, chủ tàu không bổ sung được nguồn vốn đối ứng để ngân hàng tiếp tục giải ngân nhằm hoàn thiện và đưa tàu đi vào hoạt động. Cá biệt có trường hợp tàu đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, bị nước sở tại bắt giữ và xử lý.
Nguyên nhân khách quan nữa là ngư trường khai thác không thuận lợi (nguồn lợi hải sản bị suy giảm, thời tiết diễn biến bất thường...) khiến việc khai thác không hiệu quả. Tàu bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như tàu bị thiên tai trên biển, tàu bị cháy, tàu bị chìm...