Nhiều chuỗi bán lẻ lớn đến Việt Nam tìm đối tác: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Việc các chuỗi bán lẻ lớn quốc tế chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược toàn cầu trong chuỗi cung ứng được coi là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp Việt khi họ mua các giá trị bền vững.
Xu hướng mua giá trị bền vững
Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng thương mại quốc tế sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế thời gian qua ngày càng rõ nét.
Theo đó, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ cũng như bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững. Đặc biệt đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Điển hình, trung tuần tháng 9 vừa qua, chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing Expo 2023 diễn ra tại TP Hồ Chí Minhghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới. Sự kiện đã thu hút 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ cho biết, trong việc tìm kiếm nhà cung cấp, nhiều đại siêu thị khổng lồ trên thế giới bày tỏ mong muốn mua sản phẩm, giá trị bền vững, sức chống chịu về lâu về dài trong quá trình họ chuyển đổi đa dạng hóa các đối tác, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay, để từ đó bán được hàng ở nước họ nhiều hơn.
“Vấn đề đặt ra là làm thế nào giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam tận dụng được cơ hội đó, bởi nếu không đáp ứng được nhu cầu của chuỗi cung ứng thì họ tìm nhà cung cấp khác”, ông Linh nói.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, khảo sát nhanh cho thấy, 90% DN tham gia chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023 đều nhận thức được yếu tố bền vững, sức ép chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững.
“Tuy vậy, đáng tiếc là chỉ 60% DN đã và đang có hoạt động, đầu tư cho phát triển bền vững cho sản phẩm mang tính chất bền vững của mình. Trong khi đó, con đường phát triển bền vững là bắt buộc để DN Việt tìm được lối vào chuỗi cung ứng bền vững”, ông Linh chia sẻ.
Cùng góc nhìn, bà Trần Như Trang - đại diện Chương trình Sippo tại Việt Nam (chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu trên toàn cầu), bên cạnh cơ hội, thách thức với các DN Việt hiện nay là các chuỗi bán lẻ lớn trên toàn cầu mua các giá trị bền vững. Liệu DN đã có chưa hay chỉ mới dừng lại ở “hô khẩu hiệu”?
Hiện nay, các nhà bán lẻ toàn cầu chịu sức ép lớn về yêu cầu công bố thông tin bền vững ở thị trường EU, Mỹ… Vì vậy, họ rất mong muốn tìm được nhà cung ứng chứng minh được tiêu chí phát triển bền vững, với các tiêu chuẩn rõ ràng.
“Tôi tin rằng các chuỗi bán lẻ lớn đến Việt Nam, họ đã sẵn sàng cho sự hợp tác, nhưng vấn đề còn lại phụ thuộc rất lớn vào việc DN Việt sẽ nắm bắt cơ hội này ra sao, sản phẩm phát triển bền vững hay chưa”, bà Trang nói.
Thách thức ngày càng hiện hữu
Cũng theo bà Trang, yêu cầu của các DN lớn ở châu Âu là sức ép về báo cáo phát triển bền vững và việc này được yêu cầu thực hiện từ năm 2024. Các bên đang chạy đua để tự xây dựng hệ thống của mình trong lúc chờ EU hướng dẫn. Nếu DN Việt Nam chủ động có những thông điệp bền vững thì quá tốt để khách hàng mua được luôn những câu chuyện đó.
Châu Âu cũng đang soạn Luật Chống báo cáo không trung thực. Tức là nói về bền vững nhưng không đủ bằng chứng là bền vững. DN cho rằng mình phát triển bền vững nhưng thực sự DN có đang làm hay không, có bằng chứng hay không.
Với việc các “ông lớn” bán lẻ, trong đó có Takko (Đức) - hệ thống bán lẻ sở hữu 1.900 cửa hàng tại 17 quốc gia trên thế giới - đến Việt Nam lần này là cơ hội cho các DN Việt tiếp cận tiếp với các chuỗi, nghe xem họ muốn gì, DN đã bán, đã chào những được gì. Còn những gì chưa đáp ứng được thì lập tức phải chuyển mình ngay.
Quan trọng là DN đã có contact trực tiếp, sau đó tiếp tục có các cuộc trao đổi bằng những hình thức khác nhau để cuối cùng có được hợp đồng là một chặng đường.
Phân tích thách thức khi hợp tác với thị trường châu Âu, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, điều lo ngại nhất là thách thức từ chính người tiêu dùng của lục địa này. Chưa cần chờ đến các quy định của EU mà chính người tiêu dùng sẽ tẩy chay, sẽ tránh xa những các sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng về vấn đề bảo vệ môi trường hay liên quan đến người lao động.
“Thách thức này càng ngày càng hiện hữu và doanh nghiệp Việt cần quan tâm. Chúng ta đã tham gia những hiệp định FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao về trách nhiệm phát triển bền vững.
Thị trường có quy định của họ. DN muốn vào cuộc chơi của họ phải theo luật của họ. Đó là điều rất là bình thường. Cuộc chơi đó có lợi ích không, có tốt lâu dài hay không? Câu trả lời thuộc về DN”, ông Khanh chia sẻ.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) đánh giá, thỏa thuận xanh của EU được thông qua vào năm 2020 có lẽ là gốc gác của những yêu cầu phát triển bền vững của EU trong 3 năm gần đây.
EU đưa ra những quy định rất tổng thể, có những quy định lộ trình ngắn, có lộ trình dài và có những quy định không có lộ trình, phải áp dụng ngay.
“Điều này vừa đặt ra thách thức nhưng nó cũng đặt ra những cơ hội, nếu bắt kịp được. Phải xác định phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược. Chúng ta phải chủ động nắm bắt để cố gắng làm sao mà bắt được nhịp cùng với thị trường. Bắt sớm quá cũng sẽ không hiệu quả, nhưng mà phải bắt đúng”, ông Đức Anh chia sẻ.