Nhiều chuyển biến trong công tác cải cách giáo dục
Qua gần 9 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh Long An có nhiều đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thực hiện đồng bộ, toàn diện
Trên tinh thần Nghị quyết của Trung ương, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Chiến lược Phát triển GD&ĐT giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2012-2015, trên địa bàn tỉnh có 57 cơ sở giáo dục (CSGD) được thành lập mới, trong đó có 7 đơn vị thuộc loại hình tư thục. Giai đoạn 2016 - 2020, có 33 CSGD được thành lập mới, trong đó có 9 đơn vị thuộc loại hình tư thục.
Toàn tỉnh hiện có 591 CSGD từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông. Trong đó, có 557 CSGD công lập và 34 CSGD ngoài công lập; có 2 trường đại học (ngoài công lập) thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT; 1 trường cao đẳng sư phạm trực thuộc quản lý của tỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngày càng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học theo mục tiêu giáo dục mới của từng cấp học, đáp ứng các tiêu chí để công nhận trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn quốc gia. Tính đến cuối tháng 12/2021, trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 52,28%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ luôn được cấp ủy, UBND các cấp quan tâm lãnh, chỉ đạo; có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã về các mặt như tuyên truyền, vận động, huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, tái huy động, hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học,... Đội ngũ cán bộ, giáo viên an tâm công tác, luôn phấn đấu dạy tốt, kết quả dạy và học được nâng lên qua từng năm.
Tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi ra lớp luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 99,5%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%. Năm học 2021 - 2022, do dịch Covid-19 bùng phát nên hoạt động dạy và học được triển khai, thực hiện theo phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Các CSGD triển khai, thực hiện tốt phương án, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường theo hình thức dạy và học phù hợp, bảo đảm đủ nội dung, đúng chương trình theo quy định.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các địa phương có các khu, cụm công nghiệp phát triển, tỷ lệ trẻ tăng cơ học ngày càng nhiều và không ổn định đã ảnh hưởng đến việc đáp ứng đầy đủ các quy định về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia. Ở một vài địa phương, giáo viên làm công tác PCGD, xóa mù chữ không ổn định nên việc tiếp cận và thực hiện công tác này còn gặp khó khăn.
Đối với giáo dục mầm non, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành học. Tính đến tháng 01/2022, tỷ lệ huy động trẻ 4 tuổi chỉ đạt hơn 70%, so với yêu cầu dự kiến như tiêu chuẩn trẻ 5 tuổi là 95%. Đến tháng 12/2021, chỉ có 12/188 xã, phường, thị trấn đạt PCGD mầm non cho trẻ 4 tuổi, chiếm 6,38%. Dự kiến năm 2022 có 41/188 xã, phường, thị trấn đạt PCGD mầm non cho trẻ 4 tuổi, chiếm 21,81%.
Do dịch Covid-19 nên một số hoạt động giáo dục bị ảnh hưởng. Các vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ trong các CSGD như thiết bị, công nghệ thông tin, thư viện, y tế ở các cấp học còn thiếu nhiều. Việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên các cấp học bổ sung cho đội ngũ còn gặp khó khăn; nguồn tuyển dụng thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương; thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên do quy định mới của Luật Giáo dục năm 2019 thay đổi điều kiện, tiêu chuẩn của giáo viên các cấp học,...
Đánh giá khách quan, đầy đủ
Thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát về công tác cải cách giáo dục, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Kế hoạch giám sát chuyên đề và tiến hành giám sát, khảo sát thực tế tại một số địa phương. Từ tháng 3/2022 đến nay, các đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã làm việc trực tiếp với UBND huyện Vĩnh Hưng, Tân Trụ, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Dự kiến trong tháng 5/2022, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với Sở GD&ĐT và UBND tỉnh.
Nội dung giám sát tập trung vào công tác chỉ đạo và ban hành các văn bản để triển khai Luật Giáo dục, các quy định của Trung ương, Nghị quyết của HĐND tỉnh có liên quan đến công tác GD&ĐT gắn với việc thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
HĐND tỉnh còn giám sát một số nội dung cơ bản, trọng tâm trong công tác cải cách giáo dục: Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau THCS; tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường lớp, hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở; xây dựng xã hội học tập; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD&ĐT; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT.
Qua giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong thực hiện công tác cải cách giáo dục, nhất là việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, ông đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt để các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là cán bộ quản lý, giáo viên tự chủ động đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong giảng dạy, thích ứng kịp thời với xu hướng chuyển đổi số. Tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp; quan tâm tạo quỹ đất sạch gắn với lộ trình đầu tư mở rộng, phát triển trường, lớp, phòng chức năng, thiết bị dạy học.
Đối với địa bàn nhiều học sinh là con em công nhân, lao động tại các khu, cụm công nghiệp, nhu cầu trường lớp tăng cao, ông Mai Văn Nhiều yêu cầu các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc cùng Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, chủ động có giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên trường học; chú trọng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS gắn với liên kết đào tạo của các trường nghề, bảo đảm người học có việc làm hiệu quả, ổn định sau khi theo học,...
Theo ông Mai Văn Nhiều, việc giám sát nhằm đánh giá toàn diện, khách quan về công tác cải cách giáo dục của tỉnh; việc cụ thể hóa Luật Giáo dục năm 2019, các quy định của Trung ương, Nghị quyết của HĐND tỉnh; việc ban hành các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương có liên quan đến công tác GD&ĐT; kết quả tổ chức triển khai, thực hiện công tác cải cách giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành GD của tỉnh trong thời gian tới./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhieu-chuyen-bien-trong-cong-tac-cai-cach-giao-duc-a134639.html