Nhiều chuyến đi dã ngoại dành cho học sinh bị hủy

Sau khi Sở GD&ĐT yêu cầu các trường học hạn chế việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát, nhiều trường và lớp học mặc dù đã đặt tour vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 nhưng đều đã hủy.

Phụ huynh đồng loạt hủy lịch đi dã ngoại sau bế giảng năm học

Chị Ngọc Bích (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết vừa nhận được thông báo từ ban phụ huynh của lớp con chị về việc không tổ chức đi dã ngoại vào ngày 30/5 tới mặc dù trước đó ban phụ huynh lớp đã lên lịch trình chi tiết.

Theo kế hoạch, lớp con gái của chị Bích sẽ đi dã ngoại tại một khu sinh thái ở Ba Vì hai ngày một đêm. "Trong thông báo gửi tới phụ huynh, ban phụ huynh lớp con tôi nói do lo lắng về an toàn của chuyến đi nên chương trình sẽ tạm thời gác lại và sẽ được tổ chức vào một dịp khác phù hợp hơn vào năm học tới. Ban phụ huynh lớp sẽ tổ chức cho các con liên hoan ăn uống tại một địa điểm gần trường từ tiền đóng góp đi dã ngoại, nếu thừa sẽ trả lại phụ huynh".

Chị Bích cũng cho biết thêm, các lớp khối 4-5 của trường cũng đã hủy lịch dã ngoại rất nhiều sau sự cố một phụ huynh và học sinh đuối nước trong quá trình trải nghiệm bắt ngao tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

Nhiều trường, lớp đồng loạt hủy lịch dã ngoại cho học sinh.

Nhiều trường, lớp đồng loạt hủy lịch dã ngoại cho học sinh.

Còn với gia đình anh Đoàn Minh Quân (ở Hoàng Mai), theo thông báo của ban phụ huynh, lớp của con trai anh sẽ tổ chức đi dã ngoại vào ngày 2/6. Mặc dù chưa có thông tin gì từ ban phụ huynh lớp về kế hoạch đi dã ngoại có thay đổi hay không, tuy nhiên, anh Quân cho biết sẽ không cho con trai đi.

"Sau vụ tai nạn thương tâm khiến một phụ huynh và một học sinh tử vong do bị sụt lún, nước cuốn xảy ra tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy mới đây, gia đình rất lo lắng nên tạm thời không muốn các con đi chơi đâu cả, cho dù là đi gần hay đi xa. Không đi chơi với lớp một chuyến không ảnh hưởng gì mà sự an toàn của các con là trên hết. Nếu năm sau, chương trình tổ chức bài bản, quy mô và có kế hoạch chi tiết về các biện pháp đảm bảo an toàn thì tôi sẽ cho con tham gia".

Sau lễ tổng kết năm học, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cho biết, nhiều lớp ở cả ba cấp học của trường lên kế hoạch đi dã ngoại, du lịch. Tuy nhiên, khi nhận được văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thắt chặt hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã yêu cầu tất cả dừng lại.

Theo Hiệu trưởng Trường Marie Curie, hiện nhiều lớp tổ chức dã ngoại kết thúc năm học theo hình thức tự phát, đặc biệt ở khối THCS và THPT. Phụ huynh thường bàn với giáo viên, sau đó phổ biến cho lớp, bỏ qua khâu nhà trường phê duyệt.

Mặc dù chưa có thông báo chính thức hủy, nhưng một lớp 9 Trường THCS Ngôi sao Hà Nội cũng bỏ ngỏ kế hoạch đi dã ngoại dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6 tới. Nhiều trường, lớp khác tại Hà Nội cũng hoãn, hủy các hoạt động dã ngoại, trải nghiệm vào cuối năm học.

Làm sao để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mỗi chuyến dã ngoại?

Là một giám đốc công ty chuyên tổ chức tour cho học đi dã ngoại trải nghiệm ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), anh Đỗ Xuân Chí cho biết, các tour đặt cho học sinh vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 qua công ty anh đều đã bị hủy.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường và các lớp nên đặt tour từ các công ty du lịch có hướng dẫn viên đi kèm.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường và các lớp nên đặt tour từ các công ty du lịch có hướng dẫn viên đi kèm.

Theo anh Hiếu, những chuyến tham quan, dã ngoại mang lại cho học sinh những lợi ích không nhỏ. Tuy nhiên lại khiến các bậc phụ huynh lo lắng bởi thực tế thời gian qua đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc khi các em đi tham quan.

Anh Hiếu cho rằng, để đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường và các lớp nên đặt tour từ các công ty du lịch có hướng dẫn viên đi kèm bởi ngoài việc công ty có kinh nghiệm tổ chức, có bảo hiểm du lịch thì vấn đề hướng dẫn viên quen thuộc địa hình cũng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn cho học sinh. "Khi hướng dẫn viên quen thuộc địa hình sẽ hướng dẫn, nhắc nhở các vị trí nguy hiểm trong chuyến đi, phòng tránh rủi ro".

Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), các chương trình dã ngoại mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, giúp nâng cao hiểu biết và kỹ năng sống cho học sinh. Đó là kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề, cải thiện khả năng tư duy, trở thành người học tích cực hơn. Các em được tiếp xúc với những môi trường khác nhau. Từ đó, kích thích sự sáng tạo, hiểu biết về thế giới qua các chủ đề từ động vật đến thực vật, từ kiến thức lịch sử đến khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc tổ chức các chuyến đi dã ngoại luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về an toàn, đặc biệt là với học sinh còn nhỏ tuổi không có phụ huynh đi cùng để giám sát. Không chỉ các vấn đề về tai nạn thương tích tại nơi tham quan mà còn rất nhiều các nguy cơ khác như: tai nạn giao thông trên đường đi, mất cắp tài sản, tranh cãi xô xát do hiểu nhầm hay các tình huống khẩn cấp về sức khỏe khác.

PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra 5 nguyên tắc an toàn cần ghi nhớ trong mỗi chuyến dã ngoại.

Đầu tiên, cần lựa chọn địa điểm và hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi của học sinh khối lớp. Không chỉ lựa chọn địa điểm tham quan phù hợp đảm bảo an toàn, mà nhà trường cần tìm hiểu trước về địa hình, khí hậu, cơ sở hạ tầng, giao thông, thời tiết để có các chuẩn bị phương tiện và thiết bị phù hợp.

Thứ hai, lập kế hoạch chi tiết cho chuyến tham quan từ lịch trình, địa điểm, các tình huống và mức độ nguy hiểm có thể xảy ra, các quy trình quản lý rủi ro. Tiếp đến là thẩm định và lựa chọn đơn vị tổ chức chuyến dã ngoại có kinh nghiệm, kỹ năng kiểm soát và giải quyết các tình huống khẩn cấp, phân công các giáo viên có kinh nghiệm cùng giám sát.

Thứ ba, đảm bảo các thiết bị an toàn được mang theo từ quần áo, dây đeo an toàn, kính chắn gió, đèn pin… đảm bảo cho từng học sinh.

Thứ tư, đảm bảo nguồn thực phẩm và nước uống an toàn. Chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo nguồn gốc thực phẩm để giúp học sinh có đủ năng lượng và sức khỏe hoàn thành chuyến đi.

Thứ năm, các dấu hiệu nhận diện và cách liên lạc cần được quán triệt đến từng học sinh. Các em phải được nhắc nhở thường xuyên về tính kỷ luật, quy trình xử lý khi gặp hoặc chứng kiến bạn bè trong tình huống rủi ro, nhớ các số điện thoại liên hệ, phương thức liên lạc và kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-chuyen-di-da-ngoai-danh-cho-hoc-sinh-bi-huy-169230528181401279.htm