Nhiều cơ chế, chính sách được xem xét quyết nghị tại Kỳ họp thứ 20

Tại Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 (được tổ chức hôm nay, 6-9), HĐND tỉnh xem xét, thảo luận 13 tờ trình, dự thảo nghị quyết được UBND tỉnh trình. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm an sinh xã hội... Báo Thái Nguyên đăng tải một số nội dung của các tờ trình được cử tri quan tâm.

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vượt sĩ số quy định cho mỗi lớp.

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vượt sĩ số quy định cho mỗi lớp.

Tinh gọn bộ máy, giảm người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố: Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố (X,TDP) không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước, tại Kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua dự thảo tờ trình về việc sáp nhập 93 X,TDP để thành lập 45 X,TDP tại các xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố: Phổ Yên, Sông Công, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ.

Đổi tên 5 TDP tại 3 phường: Đông Cao, Tiên Phong, Thuận Thành thuộc TP. Phổ Yên. Trong số 93 X,TDP có 45 X,TDP thuộc diện phải sáp nhập và 48 X,TDP liền kề thuộc diện khuyến khích sáp nhập để thành lập 45 X,TDP mới và đổi tên 5 TDP. Việc này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, nguyện vọng của nhân dân.

Từ năm 2018 đến 2021, việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các X,TDP trên địa bàn tỉnh đã giúp giảm từ 3.032 X,TDP xuống còn 2.254 X,TDP (giảm được 778 X,TDP; giảm gần 7.000 người hoạt động không chuyên trách, người tham gia trực tiếp công việc ở X,TDP, giảm ngân sách nhà nước chi cho hoạt động ở X,TDP).

Bổ sung 3.710 hợp đồng lao động khắc phục tình trạng thiếu biên chế, giảm quá tải trường, lớp: Năm học 2024-2025, tổng số biên chế ngành Giáo dục được giao là 19.960, số biên chế hiện có đến ngày 1/7/2024 là 18.831, biên chế còn thiếu so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 5.415 (giáo viên 3.379, nhân viên 2.036).

Số hợp đồng lao động ngành Giáo dục đề nghị theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ năm học 2024-2025 là 3.710 người (giáo viên 2.339, nhân viên 1.371). Dự kiến kinh phí hợp đồng theo Nghị định 111 năm học 2024-2025 là trên 338 tỷ đồng.

Việc bổ sung 3.710 hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ cho ngành Giáo dục năm học 2024-2025 không chỉ giúp bổ sung đội ngũ khắc phục tình trạng thiếu biên chế, mà còn giúp các nhà trường, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra trong năm học.

Trong số 3.710 chỉ tiêu hợp đồng lao động được giao ngành Giáo dục theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP năm học 2024-2025 có 1.371 nhân viên, trong đó có nhân viên nấu ăn...

Trong số 3.710 chỉ tiêu hợp đồng lao động được giao ngành Giáo dục theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP năm học 2024-2025 có 1.371 nhân viên, trong đó có nhân viên nấu ăn...

Bổ sung danh mục 27 công trình, dự án thu hồi đất và 25 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Tại Kỳ họp này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, có 27 công trình, dự án thu hồi đất bổ sung năm 2024 với tổng diện tích là 402,86ha, trong đó có 47,96ha đất trồng lúa, 225,43ha đất rừng sản xuất và 129,48ha đất khác…

Trong số 27 công trình, dự án nêu trên có 25 công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa và đất rừng sản xuất. Tại tờ trình, dự thảo Nghị quyết này, UBND tỉnh cũng trình HĐND tỉnh đưa dự án Khu đô thị sau UBND xã Sơn Cẩm TP. Thái Nguyên diện tích 24,50ha ra khỏi Nghị quyết số 28-NQ/HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh, do không thu hút được đầu tư vốn ngoài ngân sách.

Quy định thẩm quyền quyết định đầu tư mua sắm phục vụ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin: Tại Kỳ họp này, UBND tỉnh trình quy định thẩm quyền quyết định đầu tư mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT, hoạt động thuê dịch vụ CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư mua sắm đối với các dự án, gói thầu có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên/dự án, gói thầu của cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và tương đương quyết định đầu tư, mua sắm đối với các dự án, gói thầu trị giá dưới 1 tỷ đồng/dự án gói thầu cơ quan mình; quyết định việc đầu tư, mua sắm đối với các dự án, gói thầu có trị giá 500 triệu đồng/1 dự án, gói thầu đến dưới 1 tỷ đồng/dự án, gói thầu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư, mua sắm đối với các dự án, gói thầu có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên/dự án, gói thầu của cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện và của UBND cấp xã…

Linh Nga (Tổng hợp)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/nhieu-co-che-chinh-sach-duoc-xem-xet-quyet-nghi-tai-ky-hop-thu-20-c450a53/