Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư châu Âu tại các ngân hàng ViệtNhiều cơ hội cho nhà đầu tư châu Âu tại các ngân hàng Việt
Một trong những cam kết đáng chú ý trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là ở lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, trong vòng năm năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng của EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.
Cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược từ châu Âu
Ngày 12-2-2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, còn gọi là Hiệp định EVFTA, đánh dấu kết thúc gần một thập kỷ đàm phán không mệt mỏi giữa hai bên. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, dự kiến vào tháng 5 tới, và phê duyệt từ Ủy ban châu Âu.
Đáng lưu ý là trong biên bản ghi nhớ về vốn góp ngân hàng, gồm năm điều khoản, có quy định rõ: “Liên quan đến việc góp vốn dưới hình thức mua cổ phần của ngân hàng thương mại, trong vòng năm năm kể từ ngày hiệp định này có hiệu lực, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ xem xét trên tinh thần thiện chí đề xuất của các tổ chức tín dụng của EU về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tổng số cổ phần trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam lên tới 49% vốn điều lệ của các ngân hàng đó”.
Tuy nhiên, điều khoản này không áp dụng đối với bốn ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) mà Chính phủ Việt Nam đang nắm giữ cổ phần chi phối, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank. Ngoài ra, điều khoản trên cũng chỉ được áp dụng theo thỏa thuận chung và tự nguyện giữa các ngân hàng TMCP liên quan của Việt Nam và các tổ chức tín dụng của EU.
Dù cam kết cho phép sở hữu vượt quy định chỉ ở hai ngân hàng nhưng có thể coi là bước thí nghiệm, khảo sát ban đầu.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, nhu cầu tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài và vốn đầu tư từ quốc tế vẫn rất lớn, thì EVFTA mở ra thêm cơ hội cho các ngân hàng trong nước tìm kiếm thêm đối tác đầu tư, vừa gia tăng nội lực tài chính vừa tranh thủ các mô hình kinh doanh, quản trị và công nghệ từ châu Âu.
Trong những năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư quốc tế đổ vào các ngân hàng Việt Nam không phải là nhỏ, tuy nhiên chiếm tỷ trọng vượt trội vẫn là dòng vốn từ phương Đông của những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Nếu nhìn vào danh sách các cổ đông chiến lược nước ngoài của các ngân hàng trong nước, những tên tuổi đến từ phương Tây, đặc biệt từ châu Âu, đang ngày càng khan hiếm.
Trước đây có BNP Paribas của Pháp đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) từ cuối 2007 nhưng đã thoái vốn vào đầu năm 2018. Ngân hàng Societe Generale cũng của Pháp là cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) từ năm 2008 nhưng cũng đã thoái vốn vào đầu năm 2019.
Một trường hợp khác là cổ đông chiến lược Deutsche Bank Aktiengesellsfchaf tại Habubank từ năm 2007, tuy nhiên sau khi Habubank sáp nhập vào SHB, khoản đầu tư của ngân hàng Đức này sở hữu tại ngân hàng mới đã rớt về dưới 5% và chuyển thành một khoản đầu tư tài chính thông thường.
Vì vậy, EVFTA được kỳ vọng có thể mở màn cho một làn sóng đầu tư mới từ châu Âu vào ngành ngân hàng Việt Nam. Dù cam kết cho phép sở hữu vượt quy định chỉ ở hai ngân hàng, nhưng có thể coi là bước thí nghiệm, khảo sát ban đầu, nếu mọi việc diễn biến thuận lợi hơn thì không loại trừ khả năng cơ quan quản lý sẽ mở cửa rộng hơn đối với ngành ngân hàng, từ việc bỏ giới hạn về số lượng ngân hàng ở con số 2 hiện tại cho đến nâng tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng còn lại.
Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Việc ngân hàng nào sẽ đáp ứng được tiêu chí để các tổ chức tín dụng châu Âu nâng room ngoại lên 49%, thì phía EU sẽ xem xét và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cân nhắc.
Một số ý kiến cho rằng những ngân hàng TMCP tư nhân có uy tín, hiệu quả hoạt động vượt trội nhất hiện nay sẽ có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, những ngân hàng đã từng có cổ đông chiến lược là các tổ chức đến từ châu Âu như đã nói ở trên cũng có thể được chú ý vì có quá trình hoạt động, hợp tác lâu dài với các ngân hàng châu Âu.
Thậm chí, những ngân hàng yếu kém đang trong giai đoạn tái cơ cấu cũng có thể trở thành mục tiêu được xem xét, khi cơ chế tự nguyện đã sẵn có trong quy định cam kết.
Mở rộng mạng lưới và những lợi ích gián tiếp
Không chỉ đón dòng vốn đến từ EU, EVFTA có thể mở đường cho các ngân hàng Việt tăng cường sự hiện diện tại lục địa già, từ việc đơn thân khai phá thị trường cho đến hợp tác với những tổ chức sẵn có tại khu vực. Hiện số lượng ngân hàng Việt Nam có mạng lưới tại châu Âu là rất hiếm hoi, có thể kể đến như VietinBank đã mở chi nhánh tại Đức từ năm 2011, BIDV có văn phòng đại diện tại Nga và Cộng hòa Czech, Vietcombank có văn phòng tại Pháp và Nga, MBBank có văn phòng đại diện tại Nga, tuy nhiên Nga không thuộc EU.
Dù vẫn có ý kiến cho rằng ngân hàng Việt Nam không có nhiều cơ hội tại châu Âu vì quy mô và năng lực không thấm vào đâu so với các ngân hàng của EU. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng trong nước đã tăng trưởng phi mã về quy mô hoạt động, đáp ứng được chuẩn Basel 2, do đó khả năng phát triển và mở rộng thêm mạng lưới tại đây trong thời gian tới là rất lớn, nhất là khi nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu quốc tế hóa thị trường hoạt động và vươn lên nhóm ngân hàng hàng đầu của khu vực, theo định hướng phát triển của Chính phủ.
Như Vietcombank gần đây đã vươn tay đến Úc và Mỹ, nằm trong tốp 2 ngân hàng có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất toàn cầu.
Ngoài ra, EVFTA cũng sẽ kích thích dòng vốn đầu tư quốc tế vào mọi lĩnh vực, ngành nghề khác tại Việt Nam, cũng như mở rộng cơ hội tăng cường giao thương, xuất nhập khẩu giữa hai thị trường. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.
Điều này cũng mang lại lợi ích rất lớn cho hoạt động hiện tại của các ngân hàng, khi có cơ hội mở rộng các sản phẩm, dịch vụ cung cấp hiện tại. Rõ ràng khi dòng vốn ngoại tệ đổ vào lớn, những sản phẩm như huy động vốn, kinh doanh ngoại hối sẽ có thêm điều kiện để phát triển.
Trong khi đó, cơ hội xuất khẩu gia tăng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa mở rộng hoạt động sản xuất, đầu tư, do đó các ngân hàng có thể cho vay vốn nhiều hơn, cũng như các hoạt động chuyển tiền, thanh toán quốc tế, bảo lãnh cũng có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
An Nhiên