Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng Việt Nam

Theo đánh giá của Vietnambriefing, một số ngân hàng lớn tại Việt Nam đang đề nghị tăng giới hạn sở hữu của đối tác nước ngoài. Động thái này có thể mở ra cho ngành nhiều cơ hội và sự tham gia của các tổ chức tài chính và ngân hàng nước ngoài.

Theo Vietnambriefing, tiềm năng sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam đang gia tăng khi các ngân hàng trong nước tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài để giải quyết các thách thức, chẳng hạn như nợ xấu gia tăng và giới hạn tín dụng đã cản trở hoạt động cho vay. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài có thể giúp giảm thiểu rủi ro của ngành ngân hàng đối với trái phiếu bất động sản trên thị trường trái phiếu non trẻ của Việt Nam.

Hiện tại, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng thường nằm trong mức giới hạn 30%. Các ngân hàng có thể vượt quá giới hạn này với sự cho phép đặc biệt – điều một số ngân hàng gần đây đang đề xuất nhằm hỗ trợ họ vượt qua thách thức. Nếu tình hình khó khăn không được cải thiện, các ngân hàng có thể được cấp phép vượt quá giới hạn sở hữu nước ngoài.

Nhiều ông lớn nước ngoài đã gia nhập thị trường ngân hàng

Một số lượng lớn các công ty nước ngoài đã mua cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam trong quá khứ. Những nhà đầu tư này đến từ các quốc gia trên toàn thế giới. Một ví dụ là Deutsche Bank-Habubank. Năm 2007, Deutsche Bank của Đức đã mua 10% cổ phần của Habubank (HBB) của Việt Nam. Tuy nhiên, 5 năm sau, ngân hàng gặp khó khăn và đã sáp nhập với Ngân hàng SHB. Thương vụ này đã làm loãng cổ phần của Deutshbank trong thực thể được sáp nhập xuống chỉ còn 5%. Do đó, Deutsche Bank đã bị chuyển từ cổ đông chiến lược thành nhà đầu tư và mất quyền biểu quyết.

Vietnambriefing đánh giá cơ hội và khó khăn của các công ty nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam. Ảnh: Vietnambriefing.

Vietnambriefing đánh giá cơ hội và khó khăn của các công ty nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam. Ảnh: Vietnambriefing.

Một thương vụ khác là ANZ-Sacombank. Tháng 3 năm 2005, Ngân hàng ANZ của Australia và Sacombank của Việt Nam tuyên bố sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Sự hợp tác này sẽ giúp ANZ mua 9,87% cổ phần của Sacombank với giá 27 triệu USD. Tuy nhiên, 5 năm sau, kế hoạch thoái vốn của ANZ khỏi Sacombank đã dần được tiết lộ. Hai năm sau đó, ANZ đã bán cổ phần của mình cho Eximbank, đánh dấu lần đầu tiên một nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn khỏi một ngân hàng Việt Nam.

Một thương vụ đáng chú ý khác là HSBC-Techcombank. Năm 2005, HSBC tuyên bố sẽ mua 10% cổ phần của Techcombank Việt Nam. Mười năm sau, vào năm 2017, HSBC đã bán toàn bộ cổ phần của mình. Hai ngân hàng dường như vẫn có quan hệ tốt với việc HSBC giúp thu xếp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho Techcombank vào năm ngoái.

Vượt qua khó khăn để nắm bắt xu hướng mới

Có thể thấy trong khoảng một thập kỷ qua, việc đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam đã trở nên phổ biến, nhưng không phải không có những thách thức. Đầu tiên, giới hạn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế đang bùng nổ có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư. Điều này dường như đang thúc đẩy giá trị cổ phần mà các công ty hoặc cá nhân nước ngoài có thể sở hữu. Ví dụ, khi Oversea-Chinese Banking Corporation (OCBC) bán cổ phần của mình tại VPBank của Việt Nam thì lý do được được ra là lời đề nghị mua lại quá hời nên khó có thể từ chối.

Thêm vào đó, khi HSBC và Techcombank chọn đường đi riêng, vấn đề được đồn đoán là cấu trúc quản lý. Với giới hạn sở hữu nước ngoài hiện nay, có sự mất cân bằng quyền lực rõ rệt giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Điều này có thể tạo ra bất đồng khi hai thực thể đấu tranh để sắp xếp các mục tiêu, mục đích, lợi ích và quy trình của họ.

Một yếu tố khác có thể giống như lời Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ Friedrich Naumann Việt Nam và là cựu thành viên hội đồng quản trị của Deutsche Bank Việt Nam, chia sẻ với The Investor về mức giới hạn lãi suất, quản lý rủi ro chưa tốt và việc nhiều ngân hàng cạnh tranh tung ra hàng loạt các sản phẩm mới, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và bảo hiểm đã khiến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ông Andreas Stoffers cũng cho rằng những thách thức này có thể vượt qua nếu các công ty dành thời gian và nỗ lực để hiểu bản chất độc đáo của ngành ngân hàng Việt Nam và các sắc thái văn hóa làm nền tảng cho nó.

Vietnambriefing cũng đánh giá trong tình hình hiện tại, ngành ngân hàng Việt Nam đang phát triển đều đặn. Theo một ước tính, thị trường ví điện tử ở Việt Nam có thể có tới 50 triệu người dùng vào năm tới. Điều này là do sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực fintech, và cả hai yếu tố này đều đang thúc đẩy nhu cầu số hóa trong ngân hàng.

Ngày càng có nhiều người Việt Nam truy cập internet mỗi ngày và khi công nghệ di động tiếp tục phát triển, thanh toán kỹ thuật số đang bước vào thời kỳ hoàng kim sẽ kéo dài trong một thời gian tới.

Thêm vào đó, hơn một năm trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài vào ngân hàng Việt Nam có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn, Nam A Bank nhận được khoản đầu tư 20 triệu USD từ BlueOrchard Finance của Thụy Sĩ.

Các quỹ FTSE Russell và MVIS cũng bổ sung một số cổ phiếu ngân hàng Việt Nam vào danh mục đầu tư của họ. Theo VN Economy ước tính thì sẽ mang lại hàng chục triệu đô la cho lĩnh vực này.

Ngoài ra, Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui của Nhật Bản (SMBC) đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng VP Bank của Việt Nam vào tháng Ba.

Với những nỗ lực của các ngân hàng Việt Nam trong việc mở rộng giới hạn nhà đầu tư nước ngoài và những thách thức mà lĩnh vực này phải đối mặt, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhieu-co-hoi-cho-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-nganh-ngan-hang-viet-nam-20230504094628252.htm