Nhiều cơ hội để TP HCM thu hút nhà đầu tư chiến lược
TP HCM đang có cơ hội rất lớn trong thu hút nhà đầu tư chiến lược từ việc triển khai Nghị quyết 98, và phải là nhà đầu tư giúp nâng cao năng lực công nghệ, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp…
Ngày 14-3, Hội nghị "Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới", do Viện nghiên cứu phát triển TP HCM, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP HCM phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh TP HCM đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho biết thành phố với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, thương mại của vùng và cả nước, đang dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Lũy kế đến nay, thành phố có 12.520 dự án, vốn đăng ký là 57,64 tỉ USD. Riêng 2 tháng đầu năm nay, thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.
"Nghị quyết 98 đã đưa ra danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược về xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ cao trong các lĩnh vực, công nghiệp vi mạch, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch, cảng Cần Giờ… Nghị quyết cũng định hướng các ưu đãi hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược, chế độ ưu tiên về hải quan, thuế với tinh thần "chuẩn bị tổ cho đại bàng" - ông Phạm Bình An nói.
Có điều, năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam chính thức áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Theo các chuyên gia, việc thực thi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp FDI nhưng sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút vốn FDI và môi trường đầu tư của Việt Nam.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhận định câu chuyện thu hút FDI đối với TP HCM không chỉ là vì thành phố, mà còn là chuyện của cả nước. Bởi lâu nay, TP HCM luôn tiên phong về môi trường, thể chế và sẽ là nơi đáp ứng tốt nhất cho các nhà đầu tư chiến lược. Với Nghị quyết 98 đã được thông qua, thành phố có thể chủ động thí điểm những cái mới, vốn là thế mạnh của địa phương này trước đây.
"Trong 3 năm qua, FDI toàn cầu suy giảm cả về cam kết và thực hiện. Tại Việt Nam, FDI cam kết ngày càng tăng mạnh và lượng vốn giải ngân tốt lên từng năm. Chưa bao giờ việc thu hút những đại bàng, nhà đầu tư chiến lược, chất lượng có thể trở thành hiện thực như bây giờ. Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ cho TP HCM trong thu hút cả nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước" - TS Võ Trí Thành nói.
Nhà đầu tư chiến lược ở thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia, phải là những tập đoàn, doanh nghiệp có thể giúp TP HCM nâng cao năng lực công nghệ và xây dựng được hệ sinh thái doanh nghiệp. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cho rằng nhà đầu tư chiến lược phải đồng hành doanh nghiệp trong nước để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng. Khi có một thể chế xuất sắc sẽ giúp kinh tế TP cạnh tranh được với các thành phố lớn khác của thế giới.
Ưu đãi thuế không phải quan trọng nhất
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất là sự ổn định, minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh; thủ tục nhanh gọn thuận tiện. Đồng thời, các điểm đến của dòng vốn FDI phải tạo được hệ sinh thái cho doanh nghiệp kết nối, phát triển, chứ không chỉ là các biện pháp hỗ trợ về thuế, ưu đãi… Vì vậy, các chính sách ưu đãi không phải là duy nhất và quan trọng nhất để thu hút nhà đầu tư.