Nhiều cơ hội khi khởi nghiệp mảng giao thông xanh

Đam mê đổi mới sáng tạo, nhiều nhà khởi nghiệp trẻ đã chọn lĩnh vực giao thông xanh, xây dựng nên những thương hiệu xe máy điện chất lượng, thân thiện với môi trường

Giao thông xanh được nhiều nhà khởi nghiệp chọn để thử sức mình. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm và tinh thần đổi mới sáng tạo, nhiều người đã đạt được thành công bước đầu trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Xu hướng xe "xanh hóa"

Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Michigan (Mỹ), ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên từ chối nhiều lời mời làm việc tại đây để trở về nước theo đuổi "giấc mơ Việt". "Tôi muốn Việt Nam tự lực tự cường, tận dụng hết các cơ hội để thịnh vượng, phát triển bền vững" - ông bày tỏ.

Với chuyên môn nhiều năm trong lĩnh vực kỹ thuật, ông Nguyên trăn trở về việc phát triển giao thông xanh trên địa bàn TP HCM. Doanh nhân Việt kiều này nhận thấy cơ hội lớn với mặt hàng xe máy điện khi xã hội đang đứng trước cuộc dịch chuyển cơ bản trong lĩnh vực giao thông.

"Với khoảng 8 triệu xe máy chạy xăng trên địa bàn TP HCM hiện nay, trong 5 năm tới hoàn toàn có thể chuyển đổi 1 triệu chiếc sang xe máy điện. Muốn vậy, phải có lộ trình phát triển rõ ràng để doanh nghiệp yên tâm chuyển đổi, phát triển cũng như có những chính sách ưu tiên rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực giao vận, vận tải" - ông Nguyên tâm huyết.

Năm 2018, ông Nguyên cùng 2 người đã đồng sáng lập Selex Motors với mong muốn mang đến cho người Việt Nam những chiếc xe máy điện chất lượng cao, thân thiện với môi trường, giá cả phải chăng. Hiện nay, ông Nguyên là giám đốc điều hành (CEO) của Selex Motors - một công ty khởi nghiệp chuyên về sản xuất xe máy điện tại Việt Nam. Trong 5 năm khởi nghiệp, startup của ông làm chủ công nghệ sản xuất xe máy điện với tỉ lệ nội địa hóa 80%.

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam đầy tiềm năng phát triển Ảnh: SELEX MOTORS

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam đầy tiềm năng phát triển Ảnh: SELEX MOTORS

Một thương hiệu xe máy điện "made in Việt Nam" khác góp phần thúc đẩy xu hướng "xanh hóa" là Dat Bike. Đằng sau thành công của Dat Bike, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc Tài chính và Vận hành (CFO & COO) của công ty. Ông Trung gia nhập Dat Bike với mong muốn góp phần xây dựng một doanh nghiệp xe máy điện thành công, tạo ra tác động tích cực đến môi trường.

Ông Trung chỉ ra trước đây, từng có ý kiến cho rằng xe điện hiệu năng kém hơn xe xăng, lại kén người dùng... Đây là rào cản lớn, khiến người tiêu dùng khó chuyển đổi được.

Tuy nhiên, đến nay, xe điện nói chung và sản phẩm của Dat Bike nói riêng đã giải quyết được bài toán hiệu năng. "Câu chuyện này đã giải quyết, người tiêu dùng có thể mua một xe máy điện với giá cả như xe chạy xăng" - ông Trung tự tin.

Khắc phục những rào cản

Một vấn đề khác được ông Trung nêu ra là để người dân - nhất là những người trong ngành vận tải, vốn có tần suất chạy xe cao - mua xe điện nhiều hơn, cần khắc phục nỗi lo về quãng đường xe chạy được sau mỗi lần sạc. Theo đó, cần thiết có hạ tầng trạm sạc với độ bao phủ lớn để người tiêu dùng tự tin đổi xe. Cụ thể, ông Trung cho rằng cần có chính sách về thuế phí để thu hút người dân, doanh nghiệp chuyển sang xe điện.

"Chi phí mua xe máy hiện nay trung bình khoảng 30 - 40 triệu đồng/chiếc, trong đó các loại thuế phí chiếm khoảng 10% Nếu nhà nước có chính sách miễn giảm các loại thuế phí này hoặc có cơ chế cho vay để người dân sắm xe điện thì sẽ kích cầu người dùng" - ông nhận định.

Theo ông Trung, khả năng tiết kiệm nhiên liệu hằng tháng của xe điện tương đương tiền lãi ngân hàng khi mua xe. Nếu khoản vay này được tài trợ hoàn toàn thì người dùng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền khi dùng xe điện.

Trong khi đó, CEO Selex Motors đề xuất phát triển hệ thống đổi pin chia sẻ. Hệ thống này sẽ là nơi trữ, phát triển và chia sẻ với tất cả các hãng dùng chung một hạ tầng năng lượng. Ông Nguyên mong TP HCM hỗ trợ để trong vòng 3 năm tới có thể đạt được 1.000 điểm đổi pin tại thành phố.

Cùng trăn trở về chuyện chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển giao thông xanh tại TP HCM, ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group, nhìn nhận tiên phong trong việc này là cơ hội vừa đổi mới sáng tạo vừa gắn với các mục tiêu giảm phát thải, đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để làm được điều này, đòi hỏi cả về hạ tầng như nguồn điện, lưới truyền tải, mạng lưới trạm sạc… cũng như nguồn lực tài chính.

Việc khai thác hiệu quả các nguồn lực từ Cơ chế Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế… sẽ là một trong nhiều giải pháp giúp TP HCM chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển giao thông xanh.

Thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng cho hay hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố được đánh giá năng động nhất nước, chiếm 50% số lượng startup; 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước. TP HCM là địa phương đầu tiên có chính sách đặc thù về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Startup Genome gần đây đã xếp hạng TP HCM nằm trong nhóm 81-90 thị trường khởi nghiệp sáng tạo mới nổi của toàn cầu. Startup Blink thì xếp TP HCM hạng 114 trong số các hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu. Trong giai đoạn 2016-2022, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đạt hơn 2 tỉ USD. Trong đó, hơn 60% doanh nghiệp gọi vốn thành công là của TP HCM.

NGUYỄN PHAN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-co-hoi-khi-khoi-nghiep-mang-giao-thong-xanh-19624040717262875.htm