Nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh yêu thích ngành sư phạm, giáo dục
Các chuyên ngành liên quan đến giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin, có nhu cầu nhân lực lớn mở ra cho sĩ tử nhiều lựa chọn.
Ngoài lựa chọn theo học sư phạm, trở thành giáo viên nhóm ngành Khoa học giáo dục như các ngành Quản trị công nghệ giáo dục, Tham vấn học đường, Tâm lý học cũng là một số ngành mà thí sinh có thể quan tâm để mở rộng cơ hội trúng tuyển và việc làm cho bản thân.
Phân tích và phân biệt giữa các ngành trao đổi với
Người Đưa Tin,
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho biết với ngành Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) nhà trường ngành bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 nên thí sinh cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo.
“Với ngành Tham vấn học đường, sau khi ra trường người học sẽ tham gia hỗ trợ
học sinh
về các vấn đề tâm lý, xã hội, học tập nghề nghiệp và giúp giải quyết xung đột trong các mối quan hệ, giúp học sinh tăng cường cách thức ứng phó với stress trong cuộc sống. Vị trí việc làm của những người tốt nghiệp chương trình này thường sẽ làm ở trường học. Kỹ năng các thí sinh được trang bị sẽ gồm kỹ năng tham vấn ngắn hạn, kỹ thuật giải quyết vấn đề tập trung, kỹ năng mềm”, ông Nam bày tỏ.
Theo ông Nam dự báo, hiện nay chúng ta cần đến 70.000 giáo viên tham vấn tâm lý học đường, thông qua con số này có thể thấy được nhu cầu việc làm của ngành này.
Còn đối với ngành Tâm lý học lâm sàng tập trung sâu hơn điều trị rối loạn tâm thần, hỗ trợ cho từng cá nhân cải thiện chức năng hành vi, cảm xúc để hội nhập trở lại xã hội, làm việc chủ yếu ở bệnh viện, phòng khám chuyên gia, trang bị kỹ năng trị liệu thực chứng thực.
PGS.TS. Trần Thành Nam thông tin: “Ngành Tâm lý học nhưng chuyên sâu định hướng tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên. Chương trình đào tạo được mở cũng dựa trên việc một trong những quy định yêu cầu vị trí nhà tâm lý lâm sàng phải là cử nhân tâm lý học lâm sàng”.
Về cơ hội của thị trường lao động đối với ngành, chuyên gia nhận định nhu cầu tư vấn tâm lý càng tăng lên đặc biệt là hậu Covid-19, tỉ lệ người dân muốn tìm kiếm dịch vụ chuyên nghiệp chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng gia tăng.
Còn đối với ngành Quản trị công nghệ giáo dục, TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho biết sự khác biệt của ngành là các em được tiếp cận ngay với thực tiễn của công nghệ trong lĩnh vực giáo dục.
“Trong chương trình sẽ có các học phần được kết nối với doanh nghiệp về công nghệ nhằm nhận diện những giải pháp công nghệ để từ đó các nghiên cứu và phát triển nó theo hướng công nghệ giáo dục”, TS. Tôn Quang Cường cho hay.
Theo ông Cường ngành này có đầu ra mở rộng không chỉ cơ hội ứng dụng các công nghệ giáo dục mới nhất mà các bạn hoàn toàn có thể trở thành những nhà phát triển, nghiên cứu những công nghệ giáo dục mới. Làm việc ở những cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như doanh nghiệp, có kiến thức kỹ năng để khởi nghiệp.
Chia sẻ thêm với thí sinh giải pháp ổn định tinh thần giúp tự tin vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, ông Trần Thành Nam lưu ý: “Các em càng lo lắng sẽ càng làm ức chế khả năng tư duy, khiến cho cảm xúc không ổn định nên phải dồn năng lượng kiểm soát cảm xúc, trong khi đáng nhẽ mình có thể dành thời gian thư giãn, ôn tập lại kiến thức, nhưng khi lo lắng thì lại không làm được. Điều này dẫn đến khi vào phòng thi gặp một vấn đề mới không thể nhớ lại kiến thức lại càng trở nên hoảng loạn”.
Vì vậy, thí sinh nên sử dụng nguyên tắc học gián đoạn, học thay thế, chia thời gian học 25 phút nghỉ 5 phút để tập thể dục, uống nước và quay trở lại học và có thể làm 3-4 chu kỳ như trên với các môn khác nhau. Cùng với đó là tham gia các hoạt động vận động trong nhà, giúp đỡ người thân, nghe nhạc để bớt căng thẳng. Đặc biệt có thể nhờ công nghệ hỗ trợ trong việc tổng hợp và khoanh vùng kiến thức.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT xác định đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị số 31/CT-TTG về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Một trong những yêu cầu cụ thể là phải bố trí giáo viên làm công tác tham vấn tâm lý trong trường phổ thông, kịp thời hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn phát sinh trong học tập và cuộc sống.