Nhiều cổ phiếu bất động sản 'khoác áo tím', chứng khoán hồi phục ngoạn mục phiên cuối tuần
Một lần nữa bất ngờ lại đến với thị trường trong khoảng thời gian 14h khi VN-Index tưởng chừng sẽ tiếp tục cắm đầu lao dốc, thì lực cầu gia tăng cùng áp lực bán được tiết chế đã giúp chỉ số chung có màn 'quay xe' ngoạn mục.
Sau nửa đầu phiên sáng nỗ lực tìm điểm cân bằng, tâm lý nhà đầu tư đã dần mất kiên nhẫn khi dòng tiền tham gia thị trường khá nhỏ giọt và áp lực bán bắt đầu gia tăng. Dù đà bán tháo không diễn ra nhưng lực bán trên diện rộng đã khiến VN-Index không thể giữ được mốc 1.050 điểm.
Tâm lý tiêu cực hơn khi thị trường bước sang phiên giao dịch chiều. Đặc biệt là sau khoảng 30 phút mở cửa, áp lực bán khá mạnh khiến VN-Index tiếp tục xuyên thủng ngưỡng 1.040 điểm khi nhiều mã trên thị trường đã bắt đầu bị bán tháo và lùi về mức giá sàn.
Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ dần gia tăng khi nhà đầu tư kỳ vọng về “vùng đáy đang ở quanh đây”, đồng thời áp lực bán cũng được tiết chế, đã giúp thị trường có pha quay xe ấn tượng. Chỉ số VN-Index đã bật hồi hơn 20 điểm và tìm lại sắc xanh.
Thị trường đã đóng cửa trong trạng thái khá tích cực với số mã tăng gần gấp đôi số mã giảm và VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 5 điểm. Tuy nhiên, sau phiên bán tháo hôm qua thì dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng để nhập cuộc thị trường khiến thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ, tiếp tục về dưới mức 15.000 tỷ đồng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 309 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index tăng 5,17 điểm (+0,49%) lên 1.060,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,17 tỷ đơn vị, giá trị 23.243,6 tỷ đồng, giảm 40,85% về khối lượng và 41,06% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,31 triệu đơn vị, giá trị 1.320,89 tỷ đồng.
Sự phân hóa mạnh mẽ nhất trên thị trường là nhóm cổ phiếu bất động sản. Bên cạnh hàng loạt mã như VCG, TCH, HHV, CII… đã đảo chiều hồi phục thành công sắc xanh, một số mã nóng đã trở lại đường đua đầy ấn tượng.
Điển hình là cặp DIG và DXG đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng khớp lệnh trên dưới 20 triệu đơn vị và đều trong trạng thái dư mua trần. Một điểm đáng chú ý khác là VNE cũng kéo trần thành công và đóng cửa dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị với khối lượng khớp lệnh đạt 3,81 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành là NVL khớp lệnh hơn 25,64 triệu đơn vị và giá cổ phiếu cũng nới rộng đà tăng khi đóng cửa ở mức 13.300 đồng/CP, tăng 3,1%.
Cổ phiếu lớn VIC đã có màn “quay xe” ấn tượng và đóng cửa đứng giá tham chiếu 41.600 đồng/CP, khớp lệnh xấp xỉ 14 triệu đơn vị; trong khi đó VHM và VRE đều giảm mạnh hơn 6%, trong đó VRE nằm sàn với khối lượng dư bán sàn hơn 0,6 triệu đơn vị.
Ngoài nhóm bất động sản mất điểm bởi gánh nặng của những mã lớn, một số nhóm khác cũng chưa lấy lại đà khởi sắc như thực phẩm – đồ uống, chế biến thủy sản, sản xuất phụ trợ và bán buôn.
Còn lại các nhóm ngành trên thị trường đều đảo chiều hồi phục thành công. Trong đó, chứng khoán thuộc top tăng tốt của thị trường khi chỉ còn VIX và AGR giảm chưa tới 0,5%, còn lại đều đóng cửa khởi sắc.
Cụ thể, VND tăng 1,1% và SSI tăng 2,6% cùng có thanh khoản hơn 20 triệu đơn vị, thuộc top 5 mã giao dịch sôi động nhất thị trường, các cổ phiếu khác chủ yếu tăng hơn 1%, điểm sáng là VCI tăng tốt nhất ngành đạt 4,7% lên mức 35.600 đồng/CP và khớp lệnh 8,38 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng cũng đóng vài trò hỗ trợ tốt cho thị trường, bên cạnh mã lớn VCB đảo chiều thành công khi tăng nhẹ 0,6%, các mã khác trong ngành đã nới rộng biên độ như STB, SHB, ACB tăng hơn 2%, HDB, MBB, MSB… tăng trên dưới 1%, EIB tăng 3,5%, điểm sáng vẫn là LPB đóng cửa kéo trần thành công khi tăng 7% lên mức 15.300 đồng/CP và còn dư mua trần gần 2,77 triệu đơn vị.
Sàn HNX, sau nửa đầu phiên chiều rung lắc nhẹ cũng đã đảo chiều tăng tốt nhờ đà tăng tốc của nhóm HNX30.
Đóng cửa, sàn HNX có 113 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 3,06 điểm (+1,42%) lên 218,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,2 triệu đơn vị, giá trị 1.361,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,17 triệu đơn vị, giá trị 113,19 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn 5 mã giảm, ngoại trừ TAR vẫn nằm sàn, còn lại đều chỉ giảm nhẹ.
Ở chiều ngược lại có tới 22 mã tăng, trong đó hầu hết đều nới rộng đà tăng. Điểm sáng là cổ phiếu CEO cũng góp phần tô điểm cho nhóm cổ phiếu bất động khi tăng tốc và đóng cửa đứng tại mức giá trần 20.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 9,75 triệu đơn vị.
Ngoài ra, L14 đóng cửa tăng 7,2%, LAS tăng 5,1%, DTD tăng 4,8%, TNG tăng 4,6%, PVS tăng 4,3%...
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau khởi sắc, với SHS tăng 2,7% lên 15.100 đồng/CP và thanh khoản vượt trội đạt 25,6 triệu đơn vị, MBS tăng 2,2% và khớp 3,35 triệu đơn vị, VIG tăng 1,5%, BVS tăng 0,9%...
Thị trường UPCoM cũng có màn “quay xe” thành công.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,37%) lên 83,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,86 triệu đơn vị, giá trị 395,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 0,72 triệu đơn vị, giá trị 9,24 tỷ đồng.
Cùng xu hướng của thị trường chung, cổ phiếu BSR cũng đã hồi phục thành công và đóng cửa tăng 1,6% lên mức giá cao nhất trong ngày 18.600 đồng/CP. Thanh khoản của BSR vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 6,78 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Cổ phiếu dầu khí khác là OIL cũng khởi sắc trở lại khi đóng cửa tăng 1% lên mức 10.100 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 0,71 triệu đơn vị.
Trong khi đó, PVX vẫn đứng thứ 2 về thanh khoản với hơn 2 triệu đơn vị giao dịch thành công, nhưng đóng cửa vẫn duy trì mức giảm 4,3% xuống 2.200 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và 1 hợp đồng giảm. Trong đó, VN30F2311 tăng 8,5 điểm, tương đương +0,8% lên 1.068,5 điểm, khớp lệnh tăng vọt với hơn 369.860 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.250 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó CHPG2324 được giao dịch nhiều nhất khi có hơn 4,8 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 5,9% lên 180 đồng/cq.
Tiếp theo là CVPB2307 khớp 4,52 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 180 đồng/cq và CVRE2310 khớp 4,19 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 27,3% xuống 80 đồng/cq.