Nhiều cổ phiếu 'ngôi sao' thời Covid-19 đang 'rơi mạnh' hậu đại dịch
50 công ty 'thắng' lớn nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19 chứng kiến tổng vốn hóa suy giảm gần 1.500 tỉ đô la Mỹ kể từ cuối năm 2020. Giới đầu tư đang ngoảnh mặt với những cổ phiếu tăng giá phi mã trong làn sóng phong tỏa kiểm soát dịch bệnh trước đây. Điều đó cũng chỉ ra rằng các xu hướng trong đại dịch như hội họp từ xa, mua sắm trực tuyến, tập thể dục ở nhà… không bền vững khi nhịp sống trở lại bình thường.
Dữ liệu của S&P Global cho thấy, các công ty công nghệ áp đảo trong danh sách 50 công ty lớn ghi nhận mức tăng vốn hóa tính theo phần trăm lớn nhất trong năm 2020. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2020 đến nay tổng giá trị thị trường của 50 công ty này suy giảm hơn 1/3, tương đương 1.500 tỉ đô la Mỹ, theo phân tích của Financial Times dựa trên dữ liệu của Bloomberg.
Zoom Video Communications, công ty sở hữu ứng dụng hội nghị trực tuyến Zoom, chứng kiến giá cổ phiếu tăng tới 765% trong năm 2020 khi các doanh nghiệp chuyển sang làm việc từ xa. Nhưng kể từ cuối năm đó, giá cổ phiếu của công ty giảm khoảng 80%, tương đương với mức giảm vốn hóa hơn 77 tỉ đô la.
Giá cổ phiếu của Công ty truyền thông đám mây RingCentral (Mỹ) cũng tăng vọt trong thời kỳ bùng nổ làm việc từ xa vào năm 2020. Nhưng sau đó, thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp này nhanh chóng giảm 90% do phải cạnh tranh với những đối thủ công nghệ như Alphabet và Microsoft.
Nhà sản xuất xe đạp tập thể dục Peloton cũng “ngã ngựa” với giá cổ phiếu giảm hơn 97% kể từ cuối năm 2020, tương đương mức giảm vốn hóa 43 tỉ đô la. Tuần trước, Peloton thông báo cắt giảm 15% lực lượng lao động để giảm chi phí, đồng thời CEO Barry McCarthy sẽ từ chức.
Những cú rơi mạnh từ đỉnh cao vốn hóa diễn ra khi các xu hướng mạnh mẽ trong thời kỳ phong tỏa kiểm soát dịch bệnh như hội họp từ xa và mua sắm trực tuyến kém bền vững hơn dự kiến.
Nhiều người lao động đã quay trở lại văn phòng làm việc. Trong khi đó, lãi suất cũng như chi phí sinh hoạt cao ảnh hưởng đến nhu cầu thương mại điện tử của người tiêu dùng.
“Một số công ty có thể đã nghĩ rằng tác động từ cú sốc đại dịch sẽ là vĩnh viễn. Bây giờ, họ đang chịu tổn thương từ sự bình thường nhu cầu sau cú sốc đó”, Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng của TS Lombard nói.
Xét về mức tăng vốn hóa tính theo tỷ lệ phần trăm, Tesla là công ty chiến thắng lớn nhất trong năm 2020. Giá trị thị trường của hãng xe điện lớn nhất nước Mỹ đã tăng 787% lên 669 tỉ đô la vào cuối tháng 12 năm đó, nhưng hiện nay đã suy giảm còn 589 tỉ đô la.
Công ty Sea Limited (Singapore), sở hữu nền tảng mua sắm trực tuyến Shopee, đứng thứ hai, với giá trị thị trường tăng từ 19 tỉ đô la lên 102 tỉ đô la. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơn bùng nổ nhu cầu với cả ba hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty là trò chơi điện tử, thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số. Nhưng kể từ cuối năm 2020, vốn hóa của Sea “bốc hơi” hơn 60% do nhà đầu tư lo ngại tốc độ tăng trưởng chậm lại khi nhu cầu bình thường hóa.
Các công ty thương mại điện tử như Shopify (Canada) và JD.com (Trung Quốc) cũng chịu tổn thất lớn về vốn hóa sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch.
Nhu cầu vắc-vin và điều trị y tế liên quan đến Covid-19 thúc đẩy giá cổ phiếu của các “ông lớn” dược phẩm như Moderna và Pfizer vào năm 2020. Tuy nhiên, thành quả tăng vốn hóa trong thời kỳ đại dịch của nhiều nhà sản xuất vắc xin đã bị đảo ngược do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu không chắc đối với vắc- xin ở thời kỳ hậu đại dịch. Pfizer đã mất sạch mức vốn hóa tăng thêm trong năm 2020 và 2021.
Chỉ 7 trong số 50 công ty hưởng lợi lớn nhất nhờ đại dịch Covid-19 trong năm 2020 chứng kiến vốn hóa tiếp tục tăng sau năm 2020. Có thể kể đến như hãng xe BYD của Trung Quốc và Công ty an ninh mạng CrowdStrike của Mỹ.
Dù vậy, các công ty khác bao gồm Nvidia và Amazon, lần lượt xếp thứ 54 và 100 trong số những công ty có vốn hóa tăng mạnh nhất năm 2020, thậm chí tăng trưởng ấn tượng hơn ở thời kỳ hậu đại dịch. Vốn hóa của Nvidia, nhà cung cấp chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu, tăng thêm hơn 1.900 tỉ đô la kể từ cuối năm 2020 nhờ cơn sốt đầu tư các cổ phiếu liên quan AI.
Theo Financial Times