Nhiều cơ quan, đơn vị: Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão
Ngay sau bão số 9, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương khắc phục hậu quả, nhằm sớm hoạt động trở lại, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...Vật liệu xây dựng 'cháy' hàng sau bão số 9
Tập trung thông đường
Bão số 9 đã làm nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề, giao thông tê liệt, nhiều cầu, cống bị lũ cuốn trôi, nền đường bong tróc. Đến chiều 29.10, sau nhiều nỗ lực của ngành GTVT và chính quyền cùng nhân dân địa phương tập trung khắc phục đã thông tuyến trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến đường chưa xử lý được do khối lượng đất, đá do sạt lở núi và cây ngã đổ quá lớn, nên một số địa phương vẫn còn bị cô lập.
Trường THPT Chu Văn An (Tư Nghĩa) khắc phục hậu quả sau bão. ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG
Trên địa bàn huyện Sơn Tây, bão lớn cộng với lũ đã gây thiệt hại khá nặng. Tại cầu Sơn Mùa, sau khi thủy điện xả lũ đã làm mực nước sông Rin dâng cao đột ngột, lực chảy mạnh cuốn theo nhiều cây rừng đã làm trôi 2 nhịp cầu khiến giao thông qua đây tê liệt. Mưa lũ cũng làm cho cầu Nước Bua trên tuyến đường Đông Trường Sơn qua xã Sơn Bua bị sụt lún chân cầu dẫn đến nền cầu bị võng mạch. Hiện chính quyền địa phương và Ban Quản lý đường Đông Trường Sơn đã cắm biển cấm xe tải qua lại.
Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Lê Nhân cho biết: Cơ bản hầu hết các tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ đã thông tuyến tạm thời, đảm bảo giao thông đi lại. Tuy nhiên, các tuyến Quốc lộ 24C, Tỉnh lộ 628, 626 và 622B vẫn chưa thông được, nên nhiều nơi vẫn bị cô lập. Ngành sẽ tập trung xử lý đảm bảo hết ngày 30.10, giao thông trên toàn tỉnh sẽ thông suốt.
Giải tỏa cây xanh, cấp điện cho vùng nội thành
Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, bão đã làm hệ thống cây xanh, trụ điện, đường dây... ngã đổ khiến giao thông trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, TP.Quảng Ngãi đã ra quân xử lý để đảm bảo hoạt động trở lại. Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi Bùi Đức Thuận cho hay: Hậu quả của bão số 9 khiến cho khoảng 1.000 cây xanh trên các trục đường của thành phố ngã đổ, gãy. Nhiều tuyến giao thông bị tê liệt. Để đảm bảo hoạt động giao thông, thành phố đã huy động lực lượng dân quân, quân đội và công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi ra quân cắt dọn, xử lý. Đến chiều tối ngày 29.10, toàn bộ các tuyến giao thông chính đã được dọn dẹp sạch sẽ, giao thông trở lại bình thường.
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương cho biết: Thành phố đã chỉ đạo Điện lực TP.Quảng Ngãi nỗ lực sửa chữa, khắc phục để đảm bảo cấp điện cho người dân vùng nội ô ngay trong tối 29.10. Đối với hệ thống cây xanh ngã đổ phải tập trung cắt dọn đảm bảo đến cuối ngày 30.10 toàn bộ các tuyến đường phải được dọn dẹp sạch sẽ.
Sớm giúp dân ổn định cuộc sống
Ngay sau khi bão tan, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn huyện Bình Sơn đã khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả. Hầu hết các hộ dân được di dời, sơ tán bão số 9 đã quay trở về nhà. Tuy nhiên, nhiều nhà dân bị sụp đổ hoàn toàn do bão, nên vẫn còn tá túc ở một số nơi.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo sau bão, người dân trên địa bàn huyện đang tập trung sửa chữa lại nhà ở bị hư hỏng. Chính quyền các địa phương đã huy động hết lực lượng hỗ trợ người dân lợp lại nhà đối với các trường hợp bị tốc mái, người già yếu, neo đơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng thông tin: Đến chiều 29.10, cơ bản các tuyến đường trên địa bàn huyện Bình Sơn bị cây cối, vật kiến trúc ngã đỗ làm bít lối đi đã được khắc phục, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua lại.
Huyện Tư Nghĩa đã thành lập 15 Tổ Công tác khẩn cấp phòng, chống và khắc phục thiên tai trên địa bàn huyện. Ngay trong sáng 29.10, lãnh đạo huyện cùng với các Tổ công tác đã trực tiếp về các địa phương để nắm tình hình, kịp thời có phương án hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 9. Còn tại Sơn Tịnh, Chủ tịch UBND huyện Tạ Công Dũng cho biết, huyện đã cử 11 đoàn công tác về các xã để kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại sau bão, từ đó có phương án hỗ trợ người dân.
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả bão số 9
Ngay sau khi bão số 9 đi qua, LLVT các địa phương đã triển khai cứu hộ người dân mắc kẹt trong vùng lũ, dọn cây xanh ngã đổ để thông tuyến giao thông; giúp dân dọn dẹp, sửa chữa lại nhà cửa. Tại huyện Lý Sơn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lý Sơn, Thượng tá Hồ Ngọc Hiên cho biết: Đơn vị đã huy động 205 cán bộ, chiến sĩ và dân quân dọn dẹp các tuyến đường chính, giúp các trường học xử lý cây xanh ngã đổ, kê dọn lại bàn ghế; giúp dân dọn dẹp, sửa chữa lại nhà ở.
Còn tại huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức, Ban CHQS ba huyện này đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thường trực hành quân về các xã để hỗ trợ người dân khắc phục nhà tốc mái, trường học và cây xanh ngã đổ...
Đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh vào sáng 29.10, Bệnh viện đã khám, chữa bệnh (KCB) nội trú cho 1.700 bệnh nhân, cấp cứu kịp thời cho 28 người bị tai nạn trong bão. Giám đốc BVĐK tỉnh Huỳnh Giới cho hay: Để công tác KCB thông suốt, ngay trong đêm 28.10, bệnh viện đã chạy máy nổ phát điện, huy động công an, nhà máy nước hỗ trợ 43m3 nước để chữa trị kịp thời cho bệnh nhân cấp cứu và chạy thận nhân tạo. Hiện bệnh viện đang khắc phục hệ thống hấp tiệt trùng để đảm bảo vệ sinh dụng cụ y tế; củng cố hệ thống mạng để điều hành KCB kịp thời...
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức, ngay sau bão, Sở đã đi kiểm tra, yêu cầu các cơ sở y tế bằng mọi giá phải khắc phục tạm thời thiệt hại để cứu chữa người bị thương, xử lý ổ dịch, khôi phục hoạt động cơ sở y tế, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Vùng hạ lưu sông Trà Khúc bị ngập nặng, nên Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi phối hợp với địa phương tiến hành sơ cấp cứu, chuyển viện cho 5 bệnh nhân; đồng thời cung cấp kịp thời 100 cơ số thuốc, 150 áo phao, 5.000kg Cloramin B để khắc phục bão, lũ, hạn chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Khẩn trương sửa chữa trường học
Ngay trong sáng 29.10, các trường học khẩn trương khắc phục hậu quả, dọn vệ sinh trường, lớp học để chuẩn bị đón học sinh (HS) quay trở lại trường. Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Đình Thám cho hay: “Hầu hết các tòa nhà, giảng đường, phòng thí nghiệm bị vỡ kính, nhà xe bị sập. Phòng thiết bị thực hành bị ngập nước. Nhà trường đã huy động nguồn lực tại chỗ khắc phục, sửa chữa, đối với những hạng mục thiệt hại nặng rất cần sự hỗ trợ của tỉnh”. Trường Tiểu học Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) bị thiệt hại nặng.
Các phòng học đều bị ngập nước. Cả hai dãy nhà gồm 10 phòng học và 4 phòng chức năng đều bị tốc mái, nhà để xe bị sập hoàn toàn; phòng máy tính bị hư hỏng nặng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Điền Đỗ Thị Thu Đông cho hay: “Trước mắt, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường cùng chính quyền địa phương khẩn trương dọn vệ sinh, bàn ghế, đồ dùng học tập. Trường hiện bị ngập nước gần 1m nên chưa thể đón HS trong tuần này”. Còn tại Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), khu nhà ăn lớp bán trú bị sập, 8 cây xanh trong sân trường bị ngã đổ, các thiết bị dạy học hư hỏng nặng. Theo thông kê ban đầu, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi có khoảng 70% trường, lớp học bị hư hỏng do gió bão. Hiện tại, các trường vẫn chưa có điện, nước, công tác khắc phục cần nhiều thời gian...
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lý Sơn Phan Văn Thảo cho biết: “Tất cả các trường đều tốc mái, vỡ kính cửa chính và cửa sổ. Riêng trường mầm non bị hư hỏng các thiết bị ngoài trời. Các trường đang tập trung khắc phục hậu quả cơn bão. Trường nào đảm bảo an toàn cho giáo viên và HS thì tổ chức dạy học trở lại. Những trường chưa đảm bảo an toàn thì tiếp tục khắc phục”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết: Có khoảng 90% đơn vị trực thuộc Sở bị thiệt hại do bão số 9, trong đó có 19/38 trường THPT bị thiệt hại nặng. Các trường chủ động khắc phục thiệt hại và chỉ đón HS quay trở lại trường khi đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đối với những trường bị thiệt hại nặng có thể bố trí cho HS học trái buổi nhằm đảm bảo hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học đã ban hành. Riêng các trường THPT, nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất thì chỉ ưu tiên cho HS lớp 12 được đi học trước.
NHÓM PV-CTV
Bão số 9 đổ bộ gây thiệt hại nặng về nhà cửa của rất nhiều hộ dân. Ngay sau bão, nhiều người đổ xô đi mua gạch, ngói, tôn... sửa lại nhà khiến các mặt hàng vật liệu xây dựng “cháy” hàng. Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 29.10, tại kho của các Công ty TNHH Hiệp Hương, Công ty TNHH Một thành viên Ngói Việt, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) hầu như đã không còn nhiều hàng để cung ứng. Ngay từ chiều 28.10, sau khi bão số 9 tan, đã có rất nhiều hộ dân từ Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thậm chí ở huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng đã đến thu gom ngói, tôn... Hiện nay, giá vật liệu xây dựng không tăng, dao động từ 12 - 25 nghìn đồng/viên tùy từng loại; giá tôn xi - măng từ 52 - 72 nghìn đồng/tấm; tôn lạnh từ 65 - 90 nghìn đồng/ tấm.