Nhiều cơ sở biết về quy định cấm hút thuốc lá nhưng còn lúng túng, chưa biết cách tổ chức thực hiện
Ngày 29/5, tại Hà Nội, hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo triển khai Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá.
Quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết 1 nửa số người sử dụng thường xuyên cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc. Mỗi ngày có xấp xỉ 21.000 người chết, và trung bình cứ 4 giây lại có người chết do thuốc lá.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã có quy định những điểm cám hút thuốc hoàn toàn và những điểm cấm thuốc lá trong nhà cũng như được phép có khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc được quy định rõ ràng và mạnh mẽ. Luật quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cung cấp và các điều kiện đảm bảo được phòng chống tác hại của thuốc lá. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có địa điểm cấm hút thuốc lá, có điều kiện tổ chức thực hiện quy định áp dụng việc cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm thuộc quyền quản lý.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đến nay cũng chưa có văn bản nào quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện như treo biển cấm hút thuốc lá, tổ chức, chỉ dẫn khu vực dành riêng cho hút thuốc lá như thế nào cho phù hợp với từng loại địa điểm…
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ sở có biết về quy định cấm hút thuốc lá nhưng còn lúng túng, chưa biết cách tổ chức thực hiện. Trên thực tế, có những cơ sở thực hiện tốt quy định cấm nhưng cũng có nhiều cơ sở chưa tuân thủ. Các cơ sở làm tốt cần được biểu dương, khen thưởng và quảng bá để tăng sức lan tỏa, hiệu quả truyền thông, từ đó những cơ sở chưa thực hiện nghiêm sẽ có động lực để phấn đấu. Còn nếu tiếp tục vi phạm cần bị nhắc nhở, xem xét xử phạt.
Ngày 11/5/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá với mục đích phổ biến rộng rãi nội dung thông tư này đến các cơ quan, đơn vị để thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.
Về nội dung Thông tư, ThS Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Phụ trách Ban kiểm soát Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế cho hay: Năm 2012, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành, một trong những diểm cơ bản của luật điều chỉnh liên quan đến nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá chính là quy định về các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá. Tại quy định của luật thì có các nội dung chi tiết bao gồm các điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà… đó là những nội dung cơ bản, cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư.
Theo bà Trang, cơ sở giáo dục là một nơi rất quan trọng để thực hiện môi trường không khói thuốc và đây là môi trường cần phải bảo đảm sự trong lành và bảo đảm sự chuẩn mực về hành vi cũng như nêu gương cho lớp trẻ, học sinh sinh viên về việc không sử dụng thuốc lá. Cho nên đây là yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường không khói thuốc. Vì vậy, khi Luật Giáo dục năm 2019 được ban hành thì Quốc hội cũng quy định cơ sở giáo dục là cơ sở không được hút thuốc lá. Đây cũng là một trong những căn cứ để hướng dẫn những nội dung liên quan đến các địa điểm cấm hút thuốc lá.
Ngoài ra, Luật Thi đua khen thưởng cũng có quy định giao cho các cơ quan, tổ chức, trong phạm vi thẩm quyền có thể quy định các giải thưởng để kịp thời động viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các hoạt động trong phạm vi chức năng quản lý của cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở những luật này, Bộ Y tế đã xây dựng những nội dung cơ bản của Thông tư.
Nội dung của Thông tư bảo đảm thể chế đầy đủ những quy định hiện hành của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Kết cấu của Thông tư bao gồm 5 chương. Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư điều chỉnh 2 nội dung quan trọng: tổ chức các địa điểm cấm hút thuốc lá như thế nào để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của luật, bảo đảm tính khả thi và tăng cường nhận thức của người dân tại các địa điểm công cộng cũng như người đứng đầu các địa điểm. Nội dung thứ 2 đó là tiêu chuẩn, quy trình xét tặng giải thưởng môi trường không khói thuốc lá và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Lợi ích của môi trường không khói thuốc
Trình bày về lợi ích của môi trường không khói thuốc, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, Đại diện Văn phòng Tổ chức y tế Thế giới tại Việt Nam thông tin: Khói thuốc chứa rất nhiều chất độc, có tới 7.000 chất hóa học khác nhau, trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư và khoảng 230 chất là chất độc hại.
“Khi các hóa chất này được đóng đúng bao bì của nó, chúng ta thấy nó là những sản phẩm trong bình ắc quy, trong ướp tiêu bản động vật, ướp xác và khói ô tô… Thực tế, những chất này có trong khói thuốc và chúng ta vẫn phải hít vào khá nhiều chất độc này”, BS Lâm nói.
Khi hít phải những chất độc này, bản thân người hút thuốc sẽ mắc phải khá nhiều bệnh. Những bệnh do hút thuốc gây ra: có tới 14 loại ung thư, bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…), các bệnh khác về hô hấp, sức khỏe sinh sản…Với hút thuốc thụ động, thì những nhóm bệnh này gặp ít hơn một chút, tuy nhiên cũng không ít hơn nhiều.
Theo BS Lâm, ngoài thuốc lá truyền thống có rất nhiều chất độc thì hiện nay xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới mà các nghiên cứu cũng cho thấy chứa rất nhiều chất độc, rất giống với các sản phẩm thuốc lá thông thường như formaldehyde, kim loại nặng… Như vậy, khói thuốc thụ động của các sản phẩm thuốc lá mới này cũng gây bệnh gần tương tự như thuốc lá thông thường. Không chỉ những người hút thuốc mà cả những người hít phải khói thuốc cũng có thể mắc bệnh và đây cũng là cơ sở để các quốc gia ban hành quy định pháp luật để bảo vệ những người không hút thuốc.
Danh mục các bệnh do hút thuốc thụ động cũng khá nhiều, nghiêm trọng nhất là ở trẻ em khi có thể gặp các bệnh như khối u não, tai giữa, giảm chức năng hô hấp, đột tử ở trẻ sơ sinh…
Khi thực hiện môi trường không khói thuốc thì có 2 nhóm lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Lợi ích trực tiếp sẽ bảo vệ người hút thuốc, giảm người tử vong do hút thuốc thụ động. Lợi ích gián tiếp làm tăng tỉ lệ bỏ thuốc đối với người hút thuốc.
“Lợi ích trực tiếp đầu tiên là cải thiện không khí trong nhà. Khói thuốc gọi là khói nhưng thực ra nó có những hạt bụi rất nhỏ (PM 2.5). Khi thực hiện môi trường không khói thuốc, người ta nhận thấy sau một thời gian thực hiện, những hạt bụi PM 2.5 giảm từ trên 70% đến gần 100% trong bầu không khí đo được. Khi giảm PM 2.5 người ta nhận thấy sức khỏe hô hấp của nhân viên trong các cơ quan, công sở được cải thiện, giảm các triệu chứng ho, khó thở… Điều quan trọng nữa là không chỉ những bệnh đơn giản, những triệu chứng bình thường như vậy mà ngay cả những bệnh gây chết người như bệnh nhồi máu cơ tim… “, BS Lâm nhấn mạnh.
Theo thống kê, những thành phố ở Mỹ, sau khi thực hiện lệnh cấm hút thuốc toàn thành phố thì số ca nhập viện vì nhồi máu cơ tim giảm rất nhiều, có thể giảm từ 50% và giảm được số ca tử vong của những trường hợp nhồi máu cơ tim.
Theo BS Lâm, Điều 8 Công ước khung Kiểm soát Thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới có một số điểm quan trọng như: yêu cầu thực thi môi trường 100% không khói thuốc vì không có mức phơi nhiễm nào là an toàn; thực thi toàn diện tại nơi làm việc trong nhà, nơi công cộng trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng; cần có quy định bắt buộc, để tự nguyện sẽ không hiệu quả; cần có kế hoạch phù hợp và nguồn lực cần thiết; cần có sự giám sát đánh giá thực hiện; cần có các chiến dịch truyền thông để tăng cường sự nhận thức, ủng hộ; cần sử dụng các biển cấm hút thuốc.
BS Lâm cũng cho biết, các nghiên cứu chỉ ra, đối với những người hút thuốc, khi đến một địa điểm nào mà nhìn thấy biển cấm thì 80% sẽ tuân thủ, 20% không tuân thủ. Điều thứ 2 là thực thi xử lý vi phạm, đây là điều được được áp dụng ở nhiều quốc gia.