Nhiều công nghệ, vật liệu mới được áp dụng trong thi công cầu, đường ở Hà Tĩnh
Nhiều công nghệ, vật liệu được áp dụng trong việc thi công, sửa chữa, bảo trì các công trình cầu, đường tại Hà Tĩnh cho thấy những hiệu quả bước đầu.
Theo báo cáo từ Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh), thời gian qua, Sở này đã chủ động phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ Hà Tĩnh cùng với các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để giới thiệu một số công nghệ, vật liệu mới trong trong trong thi công, sữa chữa, bảo trì các công trình cầu, đường trên địa bàn.
Một số công nghệ qua thời gian thử nghiệm, ứng dụng thực tế được đánh giá là hiệu quả như: Công nghệ cào bóc, tái sinh nguội tại chỗ; Công nghệ lớp phủ Micro Surfacing trên mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng và công nghệ dán sợi cường độ cao gia cường cầu, giải pháp nâng cấp, cải thiện, sửa chữa mặt đường bằng lớp vật liệu Carboncor Asphalt.
Trong đó, công nghệ cào bóc, tái sinh nguội tại chỗ được coi là giải pháp tối ưu trong duy tu, sửa chữa kết cấu áo đường mềm trong đô thị, khắc phục được tình trạng phải nâng cốt cao độ mặt đường, tiến độ thi công rút ngắn, có thể thông xe ngay, thân thiện với môi trường, tận dụng tối đa vật liệu kết cấu nền mặt đường cũ.
Đáng nói, kinh phí thi công đối với công nghệ này cũng chỉ tương đương hoặc thấp hơn so với một số phương án sửa chữa nâng cấp nền móng truyền thống. Trong năm 2017, 2018 công nghệ này đã được ứng dụng hiệu quả tại một số tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh (chủ yếu dùng ngân sách huyện, xã).
Qua kiểm tra của Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh thì phương án thi công với công nghệ này được đánh giá là tốt, có thể nhân rộng.
Nguyên lý làm việc của công nghệ này là sử dụng máy chuyên dụng có chức năng phá, xáo xới một phần chiều sâu của kết cấu mặt đường cũ (thường khoảng 15÷30 cm) vốn đã bị xuống cấp, kết hợp với cốt liệu bổ sung (nếu có), đồng thời trộn với một số chất gia cố, kết dính như bitum bọt, nhũ tương nhựa đường, xi măng (phổ biến).
Sau đó, tiến hành san rải và đầm chặt lại, tạo nên một lớp móng mới hay mặt đường mới với lớp vật liệu tương đối đồng nhất (lớp tái chế).
Với công nghệ lớp phủ vữa nhựa polime, giải pháp này rất thích hợp dùng lớp bảo vệ trên mặt đường cũ (bê tông xi măng, bê tông nhựa, láng nhựa, thấm nhập nhựa...) còn đủ cường độ nhưng lớp mặt đã có hiện tượng bong tróc, trơ đá, bật vữa, mài mòn, mất độ bám, nhiều miếng vá mất mỹ quan.
Công nghệ này đóng vai trò như là lớp hao mòn, bảo vệ, kín nước, khắc phục các hư hỏng và khiếm khuyết của bề mặt đường cũ. Lớp phủ Micro Sufacing giúp cải thiện điều kiện khai thác, nâng cao độ êm thuận xe chạy.
Đây được xem là một trong những giải pháp để khắc phục hiện tượng bong tróc, trơ đá đối với một số tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh này trong thời gian vừa qua. Năm 2019 Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cũng đã thí điểm công nghệ lớp phủ Micro Sufacing trên mặt đường bê tông xi măng tuyến đường Phú – Tân – Xuân và tuyến đường ngõ 25 đường Nguyễn Huy Tự với chất lượng đảm bảo.
Sau khi thử nghiệm, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng đã được triển khai thực hiện áp dụng công nghệ này như: Tuyến đường trục xã Cẩm Lĩnh, đường trục xã Cẩm Nhượng và các tuyến đường nội thị của thị trấn Cẩm Xuyên. Đến nay các tuyến đường thi công vẫn đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật.
Với công nghệ dán sợi cường độ cao (FRP) trong gia cường cầu, được đánh giá là một trong những công nghệ, vật liệu tiên tiến được áp dụng phổ biến thời gian gần đây với những ưu điểm vượt trội so với các công nghệ khác như: Có trọng lượng bản thân nhẹ, không bị ăn mòn và có cường độ chịu kéo cao; có dạng khác nhau, từ dạng lớp mỏng được sản xuất trong nhà máy cho đến dạng các tấm sợi khô (vải sợi) có thể bọc theo dạng hình học của kết cấu trước khi tẩm thêm keo cao phân tử.
Đặc tính tương đối mỏng của vật liệu FRP đã đóng rắn thích hợp với các ứng dụng cần tính thẩm mỹ hoặc khả năng tiếp cận. Có thể được dùng trong các khu vực bị hạn chế lối vào, nơi mà các công nghệ truyền thống khó có thể được thực hiện; Không tăng tĩnh tải và không gây phản ứng phụ cho kết cấu.
Ngoài ra, việc thi công thủ công với vật liệu này cũng đơn giản, không đòi hỏi công nhân kỹ thuật cao, không cần máy móc phức tạp và đắt tiền. Thời gian thi công ngắn, đáp ứng kịp thời cho việc đảm bảo giao thông khẩn cấp. Có thể thi công trong điều kiện giao thông bình thường, không hoặc ít ảnh hưởng đến giao thông trên cầu giúp giảm áp lực và chi phí đảm bảo giao thông.
Bên cạnh đó, vật liệu này cũng có khả năng chống thấm nước và chống xâm thực rất tốt, có độ bền cao với môi trường.
Được biết, công nghệ này đã được Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh phối hợp với các giảng viên của trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội nghiên cứu áp dụng tại cầu Hộ Độ năm 2013, cầu Hải Ninh năm 2017.
Về giải pháp nâng cấp, cải thiện, sửa chữa mặt đường bằng lớp vật liệu Carboncor Asphalt (CA). Giải pháp áp dụng vật liệu này được Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công ty cổ phần Carboncor Việt Nam tổ chức thi công thí điểm tuyến đường ĐT.550 năm 2012 (tỉnh lộ 3 cũ) đoạn qua xã Thạch Đồng với chiều dài 100m.
Đến nay chất lượng mặt đường đã thi công vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Sau đó vật liệu này đã được áp dụng tại nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường giao nông thôn với chiều dài hơn 160Km.
Vật liệu này có ưu điểm nổi trội là thi công đơn giản, không gia nhiệt, không khói bụi, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí vì sử dụng rác than, một vật liệu bỏ đi sẵn có ở địa phương vì vậy yếu tố môi trường được đảm bảo tuyệt đối, kể cả với người thi công. Quá trình thi công ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết; có thể thông xe với khoảng thời gian ngắn sau khi thi công; có thể thi công với khối lượng ít, trên diện tích nhỏ; dễ kiểm soát khối lượng, chất lượng, tỷ lệ thất thoát khi thi công gần như không có.
Qua thực tiễn các công trình đã thi công, đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua cho thấy, chất lượng công trình đảm bảo các yếu tố kỹ thuật qua thời gian sử dụng.
Với sự đa dạng về công nghệ, vật liệu mới được ứng dụng trong thi công, sửa chữa, bảo trì các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đem lại nhiều sự lựa chọn về giải pháp kỹ thuật, công nghệ.
Điều này còn góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao các yêu cầu về nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh này.