Nhiều công nhân giấu bệnh vì sợ bị đuổi việc
Sau một thời gian dài làm việc trong môi trường độc hại, nhiều công nhân ở Bình Dương mắc bệnh nghề nghiệp, nhưng do sợ bị đuổi việc nên họ cố tình giấu bệnh.
Đối với doanh nghiệp cũng chưa thật sự quan tâm đến sức khỏe người lao động nên "né" khám sức khỏe định kỳ. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, cần có sự vào cuộc của chính quyền trong việc nhắc nhở công nhân, xử phạt các doanh nghiệp chưa thực hiện quy định.
Không nên chủ quan
Làm công nhân tại một công ty may ở thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương gần 10 năm, ông Mai Văn Đô (49 tuổi, quê Sóc Trăng) hàng ngày phải tiếp xúc với tiếng ồn trong xưởng ép.
4 năm trước, khi công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ, ông được bác sĩ thông báo có dấu hiệu bị điếc nghề nghiệp. Để chính xác hơn, ông phải được công ty cho đi bệnh viện kiểm tra lại. Lo sợ công ty biết mình mắc bệnh nghề nghiệp sẽ đuổi việc nên ông đã giấu bệnh.
Càng về sau khả năng nghe càng hạn chế nên ông đã xin công ty cho đi khám và đổi vị trí việc làm. Sau khi xác định bị mắc bệnh nghề nghiệp, ông được công ty hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng. Mới đây, ông Đô đã xin nghỉ việc vì thấy sức khỏe yếu dần: “Kiểu như nó nghe ù ù, nói lớn chậm từ tiếng thì nghe được, nói nhỏ nghe ù ù không nghe được nên tức lắm. Mình nghĩ, mình làm vừa mồ hôi vừa đồng tiền cho xứng đáng thì làm. Nếu làm mà không có đóng góp cho công ty thì không muốn nên đã xin nghỉ”.
Ông Đô là một trong số nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Bình Dương. Bên cạnh những người đã khám, phát hiện bệnh thì vẫn còn nhiều công nhân chủ quan với sức khỏe nên không đi khám, hay sợ khám phát hiện bệnh sẽ mất việc, tốn kém chi phí điều trị. Do cuộc sống mưu sinh họ đành chấp nhận “sống chung” với bệnh nghề nghiệp mà không biết rằng hệ lụy về sau sẽ rất khó lường.
Bác sĩ chuyên khoa I y tế cộng đồng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương Lê Văn Tấn cho biết, bệnh nghề nghiệp rất nguy hiểm và diễn tiến từ từ, khi phát ra thì đã là giai đoạn muộn. Bản thân công nhân phải tự giác bảo vệ sức khỏe của mình. Khi phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp cần báo công ty để đi khám và để được điều chuyển sang nơi làm việc mới ít độc hại hơn.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Tấn nói: “Khi người ta đã mắc bệnh nghề nghiệp thì thời gian điều trị kéo dài, tốn kém vì đã thành bệnh mãn tính. Bệnh nghề nghiệp có thể tiến triển xa hơn là giai đoạn ung thư thì cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, tiến triển tỷ lệ ung thư thấp nhưng đa số bệnh nghề nghiệp không hồi phục. Nếu người công nhân làm việc ở môi trường cũ thì sẽ nặng hơn”.
Cần có chế tài nếu doanh nghiệp thờ ơ
Theo quy định của Bộ Luật lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động bắt buộc hàng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người lao động ít nhất một lần. Đối với những người lao động làm việc trong môi trường độc hại thì phải được khám sức khỏe 6 tháng một lần.
Hiện nay, Bình Dương có gần 62.000 doanh nghiệp, với khoảng 1,3 triệu lao động, thế nhưng theo ghi nhận thì chỉ doanh nghiệp lớn thực hiện, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thờ ơ trong tổ chức khám định kỳ, khám sàng lọc bệnh cho công nhân. Về lâu dài, nguy cơ số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp sẽ tăng.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương nói, hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp chưa quan tâm nên với vai trò của mình công đoàn cơ sở sẽ phải tăng cường giám sát: “Ngoài việc nhắc người lao động quan tâm đến sức khỏe của họ thì công đoàn vẫn phải giám sát việc thực hiện chính sách của doanh nghiệp đối với công nhân về khám sức khỏe định kỳ. Nếu doanh nghiệp không thực hiện hoặc chưa thực hiện thì phải yêu cầu họ làm ngay và phải đảm bảo đúng quy định. Ngoài khám sức khỏe định kỳ thì lao động nữ còn phải được khám sức khỏe phụ khoa”.
Ông Nguyễn Văn Leo, Trưởng phòng quản lý lao động, Ban quản lí các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho rằng, hàng năm, Ban đều có đợt kiểm tra và có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc và thực hiện chăm lo sức khỏe cho người lao động.
Riêng các doanh nghiệp trong Ban có 96% trên tổng số 3.054 doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe cho công nhân với khoảng 500.000 lao động. Đối với các doanh nghiệp còn thờ ơ sẽ tiếp tục nhắc nhở.
“Ban quản lí có ban hành văn bản nhắc nhở doanh nghiệp khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Doanh nghiệp cũng phải thông báo cho công nhân làm việc trong các khu vực làm việc ở các bộ phận có tính chất độc hại sẽ được khám sức khỏe định kỳ 1 năm 2 lần”, ông Leo nói.
Theo các chuyên gia lao động, hiện nay, do mức xử phạt chưa cao nên một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm chăm lo sức khỏe cho công nhân, thậm chí “nhờn” luật, cố tình trốn tránh trách nhiệm.
Bên cạnh việc xử phạt theo Luật thì các ngành, các cấp ở Bình Dương cần có chế tài mạnh tay với những doanh nghiệp xem thường sức khỏe người lao động. Từ đó, mới đảm bảo được đội ngũ lao động có sức khỏe tốt cống hiến cho sự phát triển chung của tỉnh.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-cong-nhan-giau-benh-vi-so-bi-duoi-viec-post1043109.vov